Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng

12/01/2024 - 06:21

Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được nhiều tập đoàn kinh tế, tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao. Bên cạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng lớn, doanh nghiệp (DN) trong nước cũng không ngừng phát triển.

Năm 2023, cả nước có 159.300 DN đăng ký thành lập mới, 58.400 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường lên 217.700 DN, trong khi có 172.600 DN rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng, 18.100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 14.400 DN rút lui khỏi thị trường. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, số DN gia nhập thị trường cao hơn số DN rút lui là một tín hiệu tích cực. Quý I/2024, có 31,6% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2023; 40% DN cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định và 28,4% DN dự báo khó khăn hơn.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Quan điểm của nghị quyết là “Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo; cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN”.

Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2024, phấn đấu số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10%, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so năm 2023. Đồng thời, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc; tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới (WB) lên ít nhất 0,2 điểm. Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh, như sau: Phát triển bền vững (của Liên Hiệp Quốc) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hiệp Quốc) tăng ít nhất 5 bậc; quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; an toàn an ninh mạng của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu…

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm, như: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn cho DN; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất - kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển kinh doanh; kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc của DN…

Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP. Trước ngày 20/1/2024, xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ; phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Những năm qua, Việt Nam không ngừng cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh, xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng quốc tế. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi, nâng cao sức chống chịu của DN.

Thông điệp công bằng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần cùng tham gia đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước là rất rõ ràng, xuyên suốt. Do vậy, những luận điệu xuyên tạc rằng, Việt Nam “bóp nghẹt” môi trường kinh doanh, đối xử bất công giữa khu vực DN Nhà nước với DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài là vu khống trắng trợn, không thể chấp nhận được.

N.H