Tạo thống nhất, thông suốt trong phân phối hàng hóa

13/09/2021 - 05:42

 - So với thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tuy nới lỏng hơn, nhưng người dân vẫn được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Để “sống chung lâu dài” với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa cần đa dạng, phong phú. Do vậy, phải có quản lý thống nhất, tạo thông suốt trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Cần thống nhất trong nội tỉnh

Anh H.T.B. là nhân viên của công ty xây dựng cầu đường có trụ sở đóng trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang). Công ty của anh trúng thầu công trình xây dựng đường giao thông ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân). Do đây là dự án đầu tư công cấp bách, vẫn được triển khai thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Dù vậy, khi di chuyển từ TP. Long Xuyên lên quản lý dự án ở Phú Tân, anh vẫn gặp khó khăn trong đi lại.

“Những ngày trước, nhân viên quản lý, công nhân đi thi công công trình, doanh nghiệp (DN) đều lập danh sách, có xác nhận của địa phương, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng các chốt quản lý vẫn không thống nhất. Công ty của tôi phải mất nhiều thời gian điện thoại cho địa phương giải thích, mới được giải quyết. Đối với công nhân, khi vận hành phương tiện thi công qua huyện này để vào huyện kia thực hiện công trình, cũng bị một số chốt kiểm soát ngăn lại, yêu cầu quay đầu.

Tôi thấy cách quản lý giữa các địa phương như vậy là chưa thống nhất, mất nhiều thời gian cho DN, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình, trong khi UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công. Tỉnh nên quy định chung loại giấy tờ cần có để di chuyển trên toàn tỉnh, chốt kiểm soát chỉ có nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, không được đòi thêm thủ tục khác hoặc ngăn phương tiện lại theo suy nghĩ chủ quan” - anh B. chia sẻ.

Một vấn đề khác cũng gây khó khăn cho DN là việc xác định kinh doanh “hàng thiết yếu”. Có trường hợp DN kinh doanh mặt hàng máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin nhưng bị lực lượng chức năng yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động với lý do… không phải hàng thiết yếu. Đây là điều bất hợp lý bởi thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin vốn không thể thiếu để phục vụ các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; dạy và học trực tuyến.

Theo Công văn 789/UBND-KGVX, ngày 29-7-2021 của UBND tỉnh, các DN công nghệ thông tin, viễn thông, truyền hình, kinh doanh thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động. Chiều 9-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký Công văn 2799/BCĐ-KGVX (quy định các biện pháp tăng cường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó nêu rõ: các DN công nghệ thông tin, viễn thông, truyền hình, kinh doanh thiết bị dụng cụ học tập tiếp tục hoạt động theo Công văn 798.

Cần thống nhất quy định, tạo thuận lợi cho lưu thông, cung ứng hàng hóa đa dạng cho người dân, doanh nghiệp

Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa

Anh N.T.D. (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, chủ DN chuyên về vận chuyển, phân phối hàng hóa) đề nghị cần có những thay đổi trong cách quản lý, giải pháp thực hiện, nhằm tạo thuận lợi cung ứng hàng hóa cho người dân, DN, chuẩn bị tâm thế “sống chung lâu dài” với dịch bệnh, xây dựng cuộc sống bình thường mới theo hướng thích ứng với dịch bệnh.

“Hầu hết DN đều có nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên, tài xế, người theo xe, nhân viên giao hàng. Thiết nghĩ, cần có đầu mối tiếp nhận nhu cầu tiêm vaccine ở cấp tỉnh, cấp huyện (có thể là Sở Công thương, Phòng Kinh tế/ Kinh tế - Hạ tầng ở cấp huyện), kết nối thông tin với DN về địa điểm, thời gian, thủ tục hồ sơ cần có trước khi tiêm chủng” - ông D. nói.

Nhiều DN cho rằng, quy định test nhanh SARS-CoV-2 chỉ có giá trị trong 24 giờ bộc lộ nhiều bất cập. “Hiện nay, tỉnh kiểm soát chặt chẽ phương tiện từ địa phương khác vào An Giang, trong đó có test nhanh tại chỗ đối với phương tiện “nghi ngờ”. Điều này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đối với lưu thông nội tỉnh, test nhanh hay PCR đều nên có giá trị trong 72 giờ, tránh gây mất thời gian và phát sinh thêm nhiều chi phí trong chuỗi cung ứng hàng hóa”- ông D. nhận xét.

Theo ông D., rất nhiều người phải có mặt tại cơ sở xét nghiệm từ sáng sớm để nộp khai báo y tế, chờ đến 8-9 giờ sáng mới nhận được kết quả rồi di chuyển trở về công ty, lấy hàng đi giao. Ngoài gánh nặng chi phí cho DN (test toàn bộ nhân viên hàng ngày), tốn thời gian của nhân viên thì còn gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19 do tập trung nhiều người tại chỗ test. Khi test nhanh và xét nghiệm PCR đều có giá trị 72 giờ, DN sẽ xoay tua cho nhân viên cứ cách 3 ngày mới xét nghiệm 1 lần, giảm chi phí khi thực hiện 3 người/mẫu gộp (đối với test nhanh), 5-10 người/mẫu gộp (xét nghiệm PCR), vừa tiện lợi vừa giảm tập trung đông người.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông qua chốt kiểm soát dịch, đồng thời phải đảm bảo kiểm soát người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp đi theo xe thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch.

“Chúng tôi rất hoan nghênh quan điểm này của Sở Giao thông - Vận tải. Trong bối cảnh “sống chung lâu dài” với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa của người dân, DN rất lớn, không chỉ hàng thiết yếu mà còn nhiều loại hàng hóa khác phục vụ đời sống, lao động, sản xuất. Do vậy, cần bỏ khái niệm “hàng thiết yếu” trong lưu thông, đồng thời có quy định thống nhất về thủ tục, mẫu giấy đi đường để DN, người giao hàng thuận tiện lưu thông nội tỉnh”- anh D. nêu ý kiến.

Các DN đề xuất cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong kiểm soát vận chuyển hàng hóa trong tỉnh. Theo đó, hướng dẫn về mẫu, các loại giấy tờ thống nhất trên địa bàn tỉnh. Tài xế, nhân viên giao hàng đều có mã kiểm soát. Tất cả các chốt kiểm soát cũng có mã QR Code. Tài xế, nhân viên qua chốt được lực lượng chức năng quét mã, đồng thời thực hiện quét mã điểm đến tại chốt. Như vậy, sẽ dễ kiểm soát toàn bộ lịch trình di chuyển bằng ứng dụng công nghệ.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích