Tạo thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

23/08/2023 - 18:45

Chiều 23/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) lần thứ 10.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.

Khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi từ nhận thức đến những hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và đồng hành cùng đất nước trên con đường chuyển đổi xanh; không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn là sự nhạy bén trước các xu thế phát triển của thời đại.

Nhấn mạnh những thách thức có tính lịch sử, Phó Thủ tướng cho rằng, phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia.

Hiện nay, năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút các doanh nghiệp của mỗi quốc gia hiện không nằm ở lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ đất đai “mà là tính hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”. Đây là cơ hội cho những quốc gia nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhưng cũng là thách thức, “hàng rào không thể vượt qua đối với những ai chậm chân”.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phó Thủ tướng khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước đã xác định chủ trương và lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn hướng tới net zero.

“Cam kết thực hiện net zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây là thời điểm, cơ hội để cùng hành động, thực hiện các mục tiêu toàn cầu; là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ; đưa đất nước phát triển theo con đường “xanh” có thu nhập cao vào năm 2045”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói, chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường mà còn là cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới.

Do đó, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung đưa ra những chính sách, mô hình thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm tạo ra “hệ sinh thái” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là triển khai Luật Bảo vệ môi trường, tạo khung khổ pháp lý cho năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; tập trung nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ có tính đột phá, trọng tâm trong từng giai đoạn.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước trong khuôn khổ những hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, khuyến khích thúc đẩy cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon; phát triển thêm nhiều ngành nghề mới…

Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, phát triển các trung tâm R&D (nghiên cứu và triển khai); hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nghiên cứu khoa học cơ bản; công nghệ thông tin, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ nguồn, lượng tử, sinh học; vật liệu mới, lưu trữ, chuyển hóa năng lượng; chế tạo, tự động hóa, công nghệ biển, hạ tầng thông minh, các loại hình kinh tế mới; chuyển giao công nghệ mới, công nghệ nguồn… Ngoài ra, thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với tư duy đổi mới, lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là động lực, nguồn lực phát triển.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc phát triển sản xuất, duy trì việc làm, cải thiện điều kiện lao động, thu nhập, tăng cường phúc lợi và bảo đảm an sinh cho người lao động của mỗi doanh nghiệp cũng là những biện pháp rất có ý nghĩa đối với phát triển bền vững, bao trùm. “Chính phủ mong muốn, sau Diễn đàn này sẽ nhận được những đề xuất, ý tưởng, sáng kiến góp phần kiến tạo thể chế nhằm thực hiện chuyển đổi xanh trong năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng…”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững, Phó Thủ tướng “đặt hàng” Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế xây dựng, hoàn thiện bộ chỉ số dành cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp… trên từng chặng đường phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại Diễn đàn, trên 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 30 diễn giả tập trung thảo luận về một số nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá ESG trong doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh...

Theo TTXVN