Tập trung cao nhất cho 3 kỳ họp thường kỳ còn lại của Quốc hội khóa XV

01/08/2024 - 18:50

Chiều 1/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khối lượng công việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng lớn. Ngoài nhiệm vụ theo kế hoạch, có rất nhiều việc đột xuất, phát sinh, với tính chất khó, phức tạp hơn, chưa từng có tiền lệ, yêu cầu ngày càng toàn diện và kịp thời hơn; đóng góp vào kết quả quan trọng, mọi mặt của đất nước.

Theo báo cáo, đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội (đạt 81,7%). Trong đó, Ủy ban Pháp luật (với 12/12 nhiệm vụ), Ủy ban Tư pháp (7/7) và Viện Nghiên cứu lập pháp (3/3) hoàn thành 100% nhiệm vụ; Ủy ban Đối ngoại hoàn thành 9/11 nhiệm vụ, Văn phòng Quốc hội hoàn thành 10/12 nhiệm vụ.

Ủy ban Pháp luật đã chủ trì giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, điển hình là Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Tư pháp đã tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng các văn bản của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong 156 nhiệm vụ lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 131 nhiệm vụ (đạt 83,97%). Trong đó, Ủy ban Pháp luật là nòng cốt giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp; chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm tra, tham mưu chỉnh lý, hoàn thiện Luật Nhà ở, Luật Thủ đô, Luật Lưu trữ...

Chú thích ảnh

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra, tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện trình thông qua: 3 luật, 3 pháp lệnh, 4 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp tham mưu với các cơ quan tổ chức thành công 14 kỳ họp Quốc hội. Trong 6 tháng năm 2024, tổ chức 4 kỳ họp Quốc hội,19 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách...

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu chuyên đề giám sát khó, phức tạp, nội dung rộng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021... Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan đã phối hợp tham mưu tổ chức thành công các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều quyết sách quan trọng. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp tốt với Văn phòng Trung ương Đảng, bộ, ngành, địa phương để tham mưu, phục vụ hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, bảo đảm thiết thực, hiệu quả...

Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, góp phần quan trọng vào thành tích chung Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban, cơ quan cần phối hợp làm tốt công tác xây dựng luật, nghị quyết ngay từ khâu đầu tiên; nâng cao chất lượng công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan thực hiện "đúng vai, thuộc bài".

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tập trung cao nhất cho 3 kỳ họp thường kỳ còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; nhất là chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8; phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6.

Các cơ quan đẩy nhanh tiến độ các nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng Quốc hội và nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, Ủy ban Pháp luật khẩn trương rà soát, tổng kết, phối hợp chuẩn bị để kịp thời bổ sung các dự án luật quan trọng: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...; hoàn thành Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, gắn với việc đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu tổ chức Diễn đàn Pháp luật...

Ủy ban Tư pháp tập trung chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật, 1 dự án Pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; tham mưu xây dựng Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thể chế hóa quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục ổn định bộ máy, đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật và phục vụ trực tiếp các mặt công tác của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các Ủy ban, cơ quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ...

Theo TTXVN