Tập trung điều tra, sớm xử lý nghiêm minh các đối tượng gây ra vụ khủng bố ở Đắk Lắk

09/07/2023 - 15:50

Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung điều tra vụ án 'Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân', sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật…

Toàn cảnh hội nghị.

Chiều 07/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 05 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên.

 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

Tại Hội nghị, các đại biểu dự Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên; đánh giá vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra ngày 11/6/2023 và các vấn đề nổi lên; làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề xuất các chủ trương, giải pháp góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội và đời sống xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.

Hội nghị cũng đã thống nhất khẳng định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh; luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự; an ninh cơ sở là thành tố đặc biệt quan trọng của bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững an ninh cơ sở từ cấp xã, phường sẽ giữ vững an ninh trên toàn quốc. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là giải pháp căn cơ nhất để giữ vững trật tự xã hội, ổn định ở Tây Nguyên.

TẬP TRUNG ĐIỀU TRA XỬ LÝ NGHIÊM MINH CÁC ĐỐI TƯỢNG KHỦNG BỐ Ở ĐẮK LẮK - Ảnh 2.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh BCA

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai Thường trực Ban Bí thư cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Công an trình bày tại Hội nghị. Đồng chí khẳng định, vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra ngày 11/6/2023 liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. 

“Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng khẳng định, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực rất lớn, tinh thần trách nhiệm rất cao của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung toàn tâm, toàn diện, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa bàn cơ sở trong xử lý vụ việc, truy bắt các đối tượng và nhanh chóng ổn định tình hình địa bàn.

Khẳng định tầm quan trọng, chiến lược của địa bàn Tây Nguyên và vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời nêu rõ, âm mưu của các tổ chức phản động là không thay đổi; qua đó đồng chí Trương Thị Mai tiếp tục nhấn mạnh đến mục tiêu mà Bộ Công an đã đặt ra là “không để sự việc tương tự xảy ra; dù khó khăn đến đâu, thách thức đến đâu cũng phải hoàn thành mục tiêu này”. 

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa bàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn Tây Nguyên. 

"Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững" - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh…

TẬP TRUNG ĐIỀU TRA XỬ LÝ NGHIÊM MINH CÁC ĐỐI TƯỢNG KHỦNG BỐ Ở ĐẮK LẮK - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh BCA

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên quán triệt nghiêm tinh thần, bài học kinh nghiệm được rút ra từ Hội nghị; đặc biệt là những chỉ đạo sát sao của đồng chí Thường trực Ban Bí thư. 

Đồng chí đề nghị các ban, bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên dựa trên chức năng nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, làm tốt công tác dân vận, công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp căn cơ, toàn diện góp phần phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng Tây Nguyên, giải quyết dứt điểm các nguyên nhân, phức tạp nảy sinh về an ninh, trật tự. 

Tập trung xây dựng lực lượng Công an cấp xã, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng trị an cơ sở, bám dân, sát dân, nắm tình hình từ nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược.

Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung điều tra vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, sớm đưa các đối tượng phạm tội xử lý nghiêm minh trước pháp luật… Chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương, làm tốt công tác tham mưu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Tây Nguyên và các địa bàn chiến lược nói chung.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ Ở ĐẮK LẮK - Ảnh 1.

Lệnh truy nã đặc biệt của Cơ quan An ninh điều tra đối với đối tượng Y Huăl Êban. Ảnh CAND

Truy nã đặc biệt đối tượng Y Huăl Êban

Theo TTXVN, ngày 4/7, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ra quyết định truy nã đặc biệt một bị can trong vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Cụ thể, bị can bị truy nã đặc biệt là Y Huăl Êban (sinh năm 1970, trú buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk).

Trước đó, ngày 3/7, đối tượng trên đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can với tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quyết định truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất.

Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ: 58 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; điện thoại: 0694389133.

Như vậy Y Huăl Êban là đối tượng thứ 6 liên quan đến vụ khủng bố tại Đắk Lắk bị Cơ quan An ninh điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ TẠI ĐẮK LẮK - Ảnh 1.

Truy nã đặc biệt 5 bị can trong vụ Khủng bố tại Đắk Lắk

Trước đó, ngày 1/7, dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk, TTXVN cho biết, đơn vị vừa ra quyết định truy nã 5 bị can trong vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk.

Các bị can bị truy nã đều trú tại tỉnh Đắk Lắk gồm: 

- Y Jũ Niê (sinh năm 1968, buôn Kang, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắc);

- Y Khing Liêng (sinh năm 1992, buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông); 

- Nay Tam (sinh năm 1974, buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng), 

- Nay Yên (sinh năm 1970, buôn Ea Klok, xã Cư Pơng),

- Nay Dương (sinh năm 1968, buôn Ea Klok, xã Cư Pơng).

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ TẠI ĐẮK LẮK - Ảnh 2.

Trước đó, các đối tượng trên đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can với tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị can đã trốn từ ngày 11/6/2023.

Theo các quyết định truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. 

Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ: 58 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; điện thoại: 0694389133.

 

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ Ở ĐẮK LẮK - Ảnh 6.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ Ở ĐẮK LẮK - Ảnh 7.

6 nghi can khủng bố tại Đắk Lắk bị truy nã đặc biệt

Đặc điểm nhận dạng 6 nghi can khủng bố tại Đắk Lắk bị truy nã đặc biệt 

Công an cung cấp đặc điểm nhận dạng của nghi can Y Huăl Ê Ban là có sẹo chấm nhỏ ngay đầu mày trái. Nghi can này cùng nhóm người thực hiện hành vi tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6.

Nghi can thứ 2 là Nay Dương (55 tuổi, dân tộc Gia Rai, trú buôn Ea Klok, Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Đặc điểm nhận dạng của nghi can Nay Dương là sống mũi cao, sẹo chấm cách 2 cm trên sau đuôi mày trái.

Nghi can này cũng cùng nhóm người thực hiện hành vi tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6.

Nghi can thứ 3 là Nay Yên (53 tuổi, dân tộc Gia Rai, trú buôn Ea Klok, Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Nghi can này là em trai Nay Dương, có đặc điểm nhận dạng là sẹo thẳng dài 1 cm cách 3,5 cm dưới sau đuôi mắt trái. Nay Yên bị truy nã vì tham gia vụ tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6.

Nghi can thứ 4 là Nay Tam (49 tuổi, dân tộc Gia Rai, trú buôn Ađrơng Điết, xã Cư Pơng, Krông Búk, Đắk Lắk). Nay Tam là em trai Nay Dương và Nay Yên, có đặc điểm nhận dạng là có nốt ruồi cách 1 cm trước mép phải. Nghi can này cũng cùng nhóm người thực hiện hành vi tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6.

Nghi can thứ 5 là Y Khing Liêng (31 tuổi, dân tộc M'Nông, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Đặc điểm nhận dạng của nghi can này là có nốt ruồi ngay cánh mũi phải. Sáng 11/6, Y Khinh Liêng cùng nhóm người thực hiện hành vi tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6 khi bị truy đuổi.

Nghi can thứ 6 là Y Jũ Niê (55 tuổi, dân tộc Ê Đê, trú Buôn Kang, Ea Knuêc, Krông Pắk, Đắk Lắk). Nghi can này có đặc điểm nhận dạng là có sẹo chấm 2 cm trên trước đầu mày phải. Nghi can này cũng cùng nhóm người thực hiện hành vi tấn công trụ sở UBND 2 xã, sát hại cán bộ, người dân và bỏ trốn ngày 11/6.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện vụ tấn công trụ sở UBND 2 xã đang tiếp tục được mở rộng điều tra, truy nã thêm những người liên quan đã bỏ trốn sau khi củng cố đầy đủ hồ sơ.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ TẠI ĐẮK LẮK - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Marc Knapper tại Việt Nam.

Hoa Kỳ phản đối, không dung túng các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ khủng bố tại Đắk Lắk 

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper.

Tại buổi tiếp, thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cảm ơn sự chia sẻ, quan tâm kịp thời của phía Hoa Kỳ liên quan đến vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6 vừa qua trong khuôn khổ “Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố” do Liên Hợp Quốc tổ chức vừa qua tại New York, Hoa Kỳ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Tô Lâm đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Marc Knapper nhấn mạnh quan điểm của Hoa Kỳ là phản đối, lên án và không dung túng bất kì tổ chức, cá nhân nào liên quan đến vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Đại sứ Marc Knapper mong muốn Việt Nam cung cấp thông tin đến vụ việc và cam kết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam bằng tất cả các phương thức để đưa ra sự thật của mối liên hệ giữa cá nhân, tổ chức nào đó đang ở Hoa Kỳ có liên quan đến vụ khủng bố, chống chính quyền nhân dân ở Việt Nam.

Ngài Đại sứ cam kết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong chia sẻ thông tin làm rõ vụ việc và để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ TẠI ĐẮK LẮK - Ảnh 4.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6 là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường; khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.

Các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau vụ khủng bố tại Đắk Lắk sẽ bị xử lý tương xứng 

Trong hai ngày 22-23/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện Rà soát lần thứ 8 việc thực hiện Chiến lược chống khủng bố của Liên Hợp Quốc.

Đề cập đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường; khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.

Đại sứ khẳng định lại lập trường của Việt Nam phù hợp với các văn kiện của Liên Hợp Quốc liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất kỳ ai thực hiện, ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.

Việt Nam yêu cầu các nước và các tổ chức quốc tế liên quan hỗ trợ, hợp tác trong công tác điều tra vụ việc cũng như ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.

THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ KHỦNG BỐ TẠI ĐẮK LẮK - Ảnh 5.

Khởi tố 84 bị can liên quan đến vụ khủng bố tại Đắk Lắk

Ngày 23/6/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 05/QĐ-ANĐT khởi tố vụ án “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; che giấu tội phạm; không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

Cơ quan chức năng cũng ra các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với: 75 bị can về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” (theo Điều 113 Bộ Luật hình sự năm 2015), khởi tố 07 bị can về tội “không tố giác tội phạm” (Điều 390 Bộ Luật hình sự năm 2015), 01 bị can về tội che giấu tội phạm (Điều 389 Bộ Luật hình sự năm 2015), 01 bị can về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 348 Bộ Luật hình sự năm 2015).

Các quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam bị can nêu trên đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. 

Đến nay thu giữ 23 khẩu súng các loại (súng quân dụng, súng hơi, súng tự chế); 02 lựu đạn, 1.199 viên đạn các loại, 15 kíp nổ, 1,2kg vật liệu nổ, 01 nòng giảm thanh, 02 ống ngắm, 01 bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án của các đối tượng.

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức. Ảnh Bộ Công an

Vụ nổ súng tại Đắk Lắk là khủng bố có tổ chức

Ngày 20/6, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York (Mỹ), từ ngày 19-22/6/2023, thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam; đồng thời khẳng định, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) vào ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.

Cụ thể, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt cho biết: "Ngày 11/6/2023 đã xảy ra một vụ khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk, 02 nhóm đối tượng trang bị súng và vũ khí tự chế tấn công trụ sở chính quyền và người dân trên đường đi, làm 09 người chết, 02 người bị thương, bắt giữ 03 con tin.

Chúng tôi đã bắt giữ 65 nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.

Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính".

Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ, hợp tác điều tra vụ khủng bố tại Đắk Lắk

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt nhấn mạnh: "Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này.

Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự".

Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt: "Cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. 

Chỉ thông qua đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa toàn cầu này, thúc đẩy hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia và thế giới".

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Vụ nổ súng tại Đắk Lắk: Rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính

Theo báo CAND, tại buổi gặp mặt chúc mừng 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông tin một số nội dung liên quan đến vụ gây mất an ninh trật tự tại trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk xảy ra vào rạng sáng 11/6.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy cho biết, vào rạng sáng 11/6, một nhóm đối tượng được xác định là bị các tổ chức phản động lôi kéo, dụ dỗ, mang theo vũ khí, hung khí, lựu đạn, bom xăng… đồng loạt tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur. 

Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, vụ tấn công là “hành vi gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính”.

“Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 9 người, làm bị thương 3 người khác. Đau xót là có 4 cán bộ, chiến sĩ Công an xã, 2 cán bộ là Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã cùng 3 người dân vô tội bị chúng giết hại rất dã man”, Thiếu tướng Lê Vinh Quy nói.

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 2.

Công an tỉnh Đắk Lắk đã bố trí lực lượng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời động viên tinh thần để nhân dân không hoang mang, lo lắng sau vụ việc. Ảnh CAND

Cơ bản đã truy bắt hết các đối tượng trực tiếp tham gia tấn công

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh uỷ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức truy bắt nhóm đối tượng gây án. 

Mặt khác, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức lực lượng động viên, thăm hỏi thân nhân gia đình các cán bộ, chiến sĩ, cán bộ xã và người dân tử nạn. 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bố trí lực lượng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời động viên tinh thần để nhân dân không hoang mang, lo lắng sau vụ việc.

“Đến thời điểm này, Công an tỉnh Đắk Lắk cùng với các lực lượng chức năng cơ bản đã truy bắt hết những đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công vào rạng sáng 11/6. 

Theo đó, đã có 74 đối tượng bị bắt, tạm giữ hình sự để điều tra; thu giữ được nhiều súng quân dụng, súng tự chế, lựu đạn, bom xăng, đạn, nhiều tài liệu, vật dụng, vật chứng khác để phục vụ công tác điều tra”, Thiếu tướng Lê Vinh Quy thông tin.

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 3.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin vụ việc tại buổi gặp mặt báo chí sáng 20/6. Ảnh CAND

Tiếp tục mở rộng, bắt giữ thêm những người liên quan

Thiếu tướng Lê Vinh Quy cho biết thêm, một số người thuộc nhóm tấn công này bị các tổ chức phản động nước ngoài lôi kéo qua Internet. 

Những người này sau đó lợi dụng các mâu thuẫn nhỏ, các bất cập ở địa phương để lôi kéo thêm những người khác từ các buôn làng khác tham gia.

“Họ đồn thổi việc không công bằng trong chính sách dân tộc, đất đai gây chia rẽ, mất đoàn kết. 

Với thủ đoạn này, nhóm đã tập hợp nhau lại, chuẩn bị vũ khí để tấn công trụ sở UBND hai xã với mong muốn sẽ thành lập nhà nước riêng. 

Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt hầu hết những đối tượng tham gia tấn công. Hiện nay vẫn tiếp tục mở rộng, bắt giữ thêm những người liên quan, tổ chức cảm hóa những thành phần bị lôi kéo nhưng chưa tham gia... 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh táo, không tin, không theo các tổ chức phản động”, Thiếu tướng Lê Vinh Quy nhấn mạnh.

Thông tin mới nhất vụ nổ súng ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.

Đời sống nhân dân trở lại trạng thái bình yên

Trước đó, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk vừa có thư gửi đồng bào và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong thư, Thiếu tướng Lê Vinh Quy cho biết: Những ngày qua, sau vụ tấn công của nhóm đối tượng vào trụ sở UBND 02 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; sự phối hợp của các Cục nghiệp vụ, các sở, ban ngành địa phương; đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của Nhân dân trên địa bàn, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Công an tỉnh đã bắt và vận động đầu thú được hơn 70 đối tượng tham gia vào vụ việc.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã kịp thời thực hiện các chế độ chính sách và tổ chức thăm viếng, chia buồn, động viên thân nhân các đồng chí Cán bộ xã, Công an xã hy sinh và người dân bị tử vong; 02 đồng chí cán bộ Công an bị trọng thương trong vụ tấn công đã được cứu chữa, sức khỏe dần ổn định; đời sống nhân dân trở lại trạng thái bình yên, bà con yên tâm làm ăn, sản xuất…

Thay mặt Đảng uỷ, Lãnh đạo và toàn lực lượng Công an tỉnh, Thiếu tướng Lê Vinh Quy trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân giúp đỡ lực lượng Công an trong đấu tranh với các đối tượng.

Đồng bào gác công việc, nấu cơm, tiếp sức cho lực lượng Công an truy bắt các đối tượng gây ra vụ nổ súng tại Đắk Lắk

Ông cũng trân trọng cảm ơn Nhân dân các dân tộc trên khắp các địa bàn, nhất là địa bàn các huyện có nhiều đối tượng lẩn trốn (như huyện Cư Kuin, Krông BÚk, Krông Pắc…) đã không quản ngại hiểm nguy, tích cực tham gia cấp cứu Cán bộ chiến sĩ Công an bị thương; thường xuyên cung cấp thông tin giúp lực lượng chức năng xác định vị trí, tình hình để truy bắt các đối tượng gây án.

"Đặc biệt, thật sự xúc động và cảm ơn bác Trần Đình Thuận (trú tại xã Ea KTur, huyện Cư Kuin), dù tuổi đã cao và biết rõ các đối tượng có vũ khí nguy hiểm, rất manh động, có thể cướp đi tính mạng của chính mình nhưng đã tìm mọi cách vượt qua truy sát, ngay trong đêm đưa đồng chí cán bộ Công an xã bị trọng thương đi cấp cứu...", Thiếu tướng Lê Vinh Quy bày tỏ.

Đồng thời, Thiếu tướng Lê Vinh Quy cảm ơn rất nhiều những tấm gương Nhân dân đã sẵn sàng tạm gác công việc cá nhân để nấu cơm, tiếp sức cho lực lượng Công an làm nhiệm vụ; tích cực lên tiếng đấu tranh, vạch trần tội ác của nhóm đối tượng và vận động người dân có con em tham gia vào vụ tấn công tự giác đầu thú để được hưởng sự khoan hồng…

Sự giúp đỡ hết mình của Nhân dân đã khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; minh chứng rõ ràng cho sự tin tưởng và tình cảm của Nhân dân dành cho lực lượng Công an; khẳng định thành trì vững chắc của thế trận lòng dân trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng trước các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm.

Một lần nữa, Thiếu tướng Lê Vinh Quy trân trọng cảm ơn và rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng Nhân dân để lực lượng Công an triển khai hiệu quả các mặt công tác; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Thiếu tướng Lê Vinh Quy bày tỏ: Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk hứa sẽ luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng với tình cảm và sự tin tưởng của Nhân dân dành cho lực lượng.

"Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn luôn quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân", Thiếu tướng Lê Vinh Quy nhấn mạnh.

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 4.

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức: Toàn bộ số cầm đầu đều bị bắt giữ và thu được nhiều vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn, lá cờ Fulro

Vụ nổ súng tại Đắk Lắk: 11 người thương vong

Thông tin về vụ việc, tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Sáng sớm 11/6, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ hai nhóm đối tượng có vũ khí đột nhập tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin.

Hậu quả là 11 người thương vong, trong đó có 9 người chết gồm 4 công an xã; 2 cán bộ xã và 3 người dân; có hai cán bộ công an xã bị thương.

Cụ thể, tại trụ sở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, nhóm khoảng 10 đối tượng mang theo vũ khí gồm súng quân dụng tự chế, súng thể thao và bom xăng đột nhập vào đập phá, đốt khu vực một cửa Ủy ban nhân dân xã, phòng làm việc của Ủy ban nhân dân xã, nơi làm việc của xã đội và dân quân tự vệ, nơi làm việc của công an xã làm 2 cán bộ, chiến sĩ công an xã Ea Tiêu đang trực hy sinh.

Trên đường rút, các đối tượng đã bắn chết Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đến khu vực ngã ba Quốc lộ 27 giáp ranh giữa 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, các đối tượng khống chế một xe ô tô bán tải và bắn chết tài xế.

Tại địa bàn xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, nhóm khoảng 30 đối tượng mang theo súng, lựu đạn, bom xăng, dao, di chuyển bằng xe ô tô đến đoạn đường liên xã dẫn vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

Tại đây, nhóm đối tượng đã khống chế một tài xế xe tải loại 20 tấn, yêu cầu điều khiển xe chắn ngang đường vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phá hủy lốp xe, ném bom xăng lên ca bin và sát hại tài xế.

Sau đó, nhóm đối tượng xông vào trụ sở đập phá, đốt, tấn công, làm 2 cán bộ công an xã hy sinh, 2 đồng chí bị thương và đốt cháy một xe ô tô; sát hại thêm 3 người gồm Bí thư xã Ea Ktur và 2 người dân; khống chế 3 người dân tộc thiểu số làm con tin.

Toàn bộ số cầm đầu đều bị bắt giữ và thu được nhiều vũ khí

Về công tác chỉ đạo giải quyết vụ việc, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho hay, ngay trong đêm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã nhanh chóng tăng cường các lực lượng nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây, phong tỏa các địa bàn có liên quan, bảo vệ trụ sở chính quyền, bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn cho người dân và truy bắt đối tượng.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì cùng các lãnh đạo Bộ Công an, Cục nghiệp vụ của Bộ Công an họp trực tuyến với Công an 9 tỉnh Tây Nguyên và phụ cận, chỉ đạo giải quyết vụ việc và phân công Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp vào Đắk Lắk chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Đồng thời, Bộ Công an cũng huy động toàn bộ Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận thành các mũi tham gia truy bắt đối tượng, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, phong tỏa địa bàn, hình thành các lớp bảo vệ trụ sở, người dân.

Cùng với triển khai công tác nghiệp vụ, Bộ Công an đã khẩn trương thực hiện chế độ chính sách, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình các cán bộ, chiến sỹ hy sinh, bị thương và thăm hỏi động viên gia đình cán bộ và người dân bị nạn.

Với tinh thần quyết liệt tấn công truy bắt bằng được các đối tượng, cho đến nay, lực lượng Công an đã bắt giữ, xử lý trên 50 đối tượng có trực tiếp tham gia vào vụ việc.

Đặc biệt toàn bộ số cầm đầu đều bị bắt giữ và thu được nhiều vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn, lá cờ Fulro; giải cứu tuyệt đối an toàn các con tin và không để xảy ra lây lan ra bất kỳ điểm nào trên địa bàn.

Các đối tượng khai nhận thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động

Qua khai thác ban đầu, số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, khai nhận thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng và kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất. Chúng cho rằng đất đai do tổ tiên để lại, ảo tưởng sẽ được ra nước ngoài.

Mục tiêu là khuếch trương tạo tiếng vang và tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã để xâm nhập vào phòng dân quân xã đội, công an xã để cướp vũ khí.

Theo Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, trong lời tuyên thệ, các đối tượng công khai đả kích chế độ, xuyên tạc vấn đề đất đai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và dùng lời tuyên thệ này để gây diễn biến tư tưởng, lôi kéo, kích động các đối tượng trẻ.

Thông tin về quá trình xử lý vụ việc, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh, dư luận tuyệt đại đa số nhân dân rất phẫn nộ, kịch liệt lên án hành động man rợ của các đối tượng.

Lực lượng công an tham gia quá trình truy bắt các đối tượng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của nhân dân, gồm cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân mong muốn lực lượng chức năng sớm truy bắt, xử lý nghiêm minh các đối tượng.

Tuy nhiên, lợi dụng vụ việc này, các thế lực phản động đồng loạt tung ra thông tin xấu độc, bình luận xuyên tạc, kích động chống phá về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hướng lái dư luận công kích chính quyền và lực lượng công an.

Thông tin mới nhất về vụ nổ súng tại Đắk Lắk - Ảnh 6.

Truy bắt bằng được tất cả các đối tượng gây ra vụ nổ súng tại Đắk Lắk

Vụ nổ súng tại Đắk Lắk gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng 

Đánh giá sơ bộ, Bộ Công an nhận thấy đây là hoạt động gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, có tổ chức, coi thường pháp luật và rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính và nhóm thực hiện hành vi là số đối tượng cực đoan người dân tộc thiểu số thuộc nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vụ việc xảy ra tại địa bàn trọng điểm về an ninh, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhân đây, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức lưu ý, cần phân định rõ, qua vụ việc này, tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tin theo Đảng, Nhà nước, chỉ có một số rất ít là tư tưởng cực đoan gây ra hành vi.

Lực lượng công an trong quá trình xử lý vụ việc quán triệt rất rõ, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì không thể trong một thời gian ngắn có thể truy bắt tất cả các đối tượng.

Nhân dân ở địa bàn không chỉ riêng người Kinh, mà tất cả đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên đều đồng lòng ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an truy bắt số đối tượng quá khích cực đoan.

Về nguyên nhân, âm mưu, ý đồ của các đối tượng, đánh giá bước đầu, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết, các thế lực thù địch, số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số, gây mất trật tự và gây tiếng vang, tạo ảo tưởng được ở nước ngoài.

“Cho đến nay, bước đầu làm rõ dấu hiệu có sự tác động, kích động của số đối tượng Fulro lưu vong. Việc này, lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ”, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho hay.

Tiếp tục truy bắt bằng được tất cả các đối tượng gây ra vụ nổ súng tại Đắk Lắk

Về phương hướng, biện pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục truy bắt bằng được tất cả các đối tượng gây án, thu giữ toàn bộ vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và lực lượng tham gia truy bắt; tiến hành công tác điều tra, xử lý nhanh chóng theo đúng quy định.

Triển khai đồng bộ các biện pháp loại trừ các nguy cơ xảy ra vụ việc tương tự, lợi dụng vụ việc, kích động gây mất an ninh trật tự.

Chỉ đạo rà soát toàn bộ phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh các địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm, nắm chắc tình hình và tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, loại trừ yếu tố tiềm ẩn phức tạp, phát sinh từ sớm từ xa.

Bộ Công an đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận, nắm dân, gần dân, sát dân, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nội bộ nhân dân để giải quyết từ sớm, từ gốc và nâng cao cảnh giác của quần chúng nhân dân trước âm mưu thủ đoạn hoạt động chống phá, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch phản động.

Đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực chất, hiệu quả, làm cho người dân tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho lực lượng công an, bảo đảm an ninh trật tự.

Căm lo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân với những kết quả cụ thể. Coi đây là giải pháp căn cơ nhất để xây dựng và phát huy thế trận lòng dân vững chắc trong thế trận an ninh nhân dân.

Bộ Công an mong muốn cán bộ, nhân dân sẽ giúp đỡ, đồng hành cùng với lực lượng Công an nhân dân; hiểu rõ, hiểu đúng bản chất vụ việc, ủng hộ, đồng lòng chia sẻ với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước./.

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ