Tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền

03/08/2022 - 07:06

 - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, chủ trì phiên họp thứ 4 của BCĐ. Trong đó, khẳng định có mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Phát biểu tại phiên họp sau khi lắng nghe các ý kiến của thành viên dự họp, Chủ tịch nước thống nhất cao với các thành viên BCĐ, khẳng định quá trình xây dựng dự thảo đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó là tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng XHCN.

Chủ tịch nước nêu một số vấn đề lớn đã được thống nhất cao và cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, trong đó, có mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đặc biệt, nhấn mạnh đặc trưng nhà nước ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đảm bảo các điều kiện để nhân dân làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân. Trong đó, nhấn mạnh vai trò nòng cốt của MTTQ và nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đề án nhấn mạnh việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như củng cố các thiết chế để nhân dân đảm bảo quyền làm chủ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Một số vấn đề khác được đưa ra bàn thảo, như: Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới lập pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam theo từng giai đoạn… Trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đảm bảo dân chủ, khách quan, khoa học, đến nay nhiều vấn đề khác nhau trước đây đã có sự thống nhất cao. Một số nội dung khác đang được tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu và thảo luận kỹ lưỡng.

Ngay sau phiên họp thứ 3, Thường trực BCĐ đã tập trung hoàn thiện dự thảo đề án. Theo đó, BCĐ đã tổ chức hội nghị 3 vùng để lấy ý kiến thành ủy, tỉnh ủy trực thuộc Trung ương; tổ chức 8 cuộc làm việc giữa Thường trực BCĐ với 9 cơ quan, tổ chức có liên quan. Với những nội dung còn có những ý kiến khác nhau thì được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo khách quan, dân chủ, trên cơ sở khoa học, bám sát thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Phát biểu tại phiên họp, các thành viên dự họp đều đánh giá cao BCĐ đề án đã chỉ đạo xây dựng dự thảo đề án công phu, khoa học, kỹ lưỡng, huy động được trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; nêu được những nội dung cốt lõi từ các chuyên đề do các cơ quan chức năng được giao thực hiện.

Bên cạnh những vấn đề, nội dung đã thống nhất cao, các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thiết chế và thể chế nâng cao quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp. Một số nội dung quan trọng cần được tiếp tục thảo luận đó là: Vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới lập pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; vấn đề xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương đảm bảo sát thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Xác định dự thảo đề án đã bám sát cương lĩnh, các văn kiện của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều nội dung thiết thực, có tầm nhìn xa.

BCĐ xây dựng đề án thống nhất đề xuất phân định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2030, xác định và tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Cương lĩnh phát triển đất nước năm 2011 và Hiến pháp năm 2013. Từ sau năm 2030 đến năm 2045, sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn của Chiến lược đã đề ra và triển khai những định hướng mới để hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, sau khi có chủ trương sửa đổi Cương lĩnh và Hiến pháp,

N.R