Nổi bật nhất là ngành đã tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề (ĐTN) gắn với giải quyết việc làm. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” và đề án “Đào tạo LĐ có tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020”; tổ chức tốt sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu LĐ… Với các biện pháp triển khai tích cực, toàn tỉnh đã ĐTN cho 25.150 người (đạt 101% kế hoạch), trong đó LĐ nông thôn 12.190 người, ký hợp đồng ĐTN theo đặt hàng của DN là 1.260 người. Qua đó, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo từ 38,8% (năm 2016) lên 42,5% (năm 2017), đưa LĐ đi làm việc nước ngoài tăng 13%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị được kiềm chế dưới 4%...
Sở LĐ-TB&XH khen thưởng các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bùi Công Bằng cho biết: ngành đã tập trung giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế. Đặc biệt, đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt, vốn ưu đãi, miễn giảm thuế - phí và các khoản đóng góp khác… Các đối tượng yếu thế được hỗ trợ ngày càng mở rộng, mức trợ cấp được điều chỉnh tăng lên. Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong năm đã giảm 1,51% số hộ nghèo toàn tỉnh, vượt 0,01% kế hoạch (giảm từ 6,75% xuống 5,24%). Cùng với đó, các quyền của trẻ em, phụ nữ và bình đẳng giới được tăng cường (tổ chức hơn 4.800 điểm vui chơi cho trẻ em nhân các dịp lễ, Tết); tặng quà cho 45.000 lượt trẻ có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện các hoạt động bảo trợ trẻ em với số tiền trên 12 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác phòng, chống TNXH, quản lý và cai nghiện ma túy được đẩy mạnh, hoạt động mại dâm được kiểm soát tốt; hoạt động mua bán người giảm 25% cả về số vụ và số người so năm 2016.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH trong năm qua. Đồng thời, chỉ ra 9 tồn tại, hạn chế mà ngành cần khắc phục, đó là: Chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở nông thôn còn chậm, kết quả còn hạn chế, ảnh hưởng đến thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác giảm nghèo thiếu bền vững, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh, nếu không có giải pháp căn cơ (ĐTN, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn ưu đãi để phát triển sinh kế…) thì khó thực hiện. Hoạt động phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh ĐTN còn khó khăn; việc phối hợp đào tạo, tuyển dụng người đi LĐ các nước (có thu nhập cao) còn ít. Công tác phòng, chống tội phạm có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn rất phức tạp, nhất là TNXH, ma túy, mại dâm; hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình chưa cao. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách cho người có công còn hạn chế…
Khánh thành khu nhà ở chăm sóc đặc biệt dành cho đối tượng bảo trợ xã hội
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý ngành LĐ-TB&XH tập trung 5 nhóm vấn đề trọng tâm. Trước hết cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách; tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để xác nhận chế độ cho người có công. Tăng cường, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt mục tiêu “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục quản lý tốt các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, góp phần xây dựng đô thị văn minh. Đồng thời, phối hợp ngành công an thực hiện tốt công tác phòng, chống TNXH và quản lý, cai nghiện ma túy, mại dâm, phòng, chống mua bán người. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tiếp cận đa chiều hoạt động dạy nghề theo đặt hàng để đảm bảo người LĐ có việc làm, ổn định cuộc sống. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; chú trọng dạy trẻ biết ứng xử văn hóa và phổ cập cho trẻ biết bơi. Đặc biệt, chăm lo tốt cho các đối tượng xã hội, gia đình chính sách, người nghèo, cận nghèo… vui xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm; quan tâm theo dõi tình hình LĐ sản xuất và chế độ tiền lương, thưởng Tết; phối hợp đảm bảo an toàn LĐ, vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 28.461 hộ nghèo (chiếm 5,24%, giảm 1,51%) nhưng số hộ cận nghèo tăng 34.020 hộ (chiếm 6,26%, tăng 0,22%). Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo, trên 10% là: Tri Tôn (15,58%), An Phú (12,47%), Tịnh Biên (11,45%). Toàn tỉnh còn 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên… TP. Châu Đốc có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (191 hộ, tỷ lệ 0,66%). Xã, phường không còn hộ nghèo là phường Mỹ Bình và Mỹ Long (TP. Long Xuyên). |
HỮU HUYNH