UBND tỉnh An Giang và VNPT tiếp tục hợp tác chiến lược giai đoạn 2020-2025
Nhiều kết quả nổi bật
Ngày 11-8-2016, tại An Giang, UBND tỉnh và VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020. Đây là sự kiện quan trọng nhằm hợp tác tạo ra một cơ sở hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử. Cùng với đó, VNPT còn hỗ trợ chính quyền tỉnh nâng cao chất lượng mạng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông - công nghệ thông tin cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Thuần, quá trình hợp tác giữa UBND tỉnh và VNPT đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Về mạng truyền số liệu chuyên dùng, đã triển khai đến tất cả 156 xã, phường, thị trấn. 100% cơ quan quản lý nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo tổ chức hội nghị truyền hình từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đến tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây được xem là nền tảng đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp “một cửa” điện tử liên thông (VNPT iGate) đã được triển khai cho toàn tỉnh (16 sở, ngành; 11 huyện, thị xã, thành phố; 156 xã, phường, thị trấn). Đến nay, đã thực hiện cung cấp 1.934 dịch vụ hành chính công, trong đó tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 41,5%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 96,8%. Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính năm 2019 của An Giang xếp 3/63 tỉnh, thành phố, đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Về triển khai Hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành (VNPT-iOffice), VNPT đã phối hợp Sở TT&TT tập huấn triển khai và đưa sử dụng từ ngày 5-6-2019 ở 61 sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc; 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và 156 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống VNPT-iOffice đã đáp ứng các nghiệp vụ quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg; đáp ứng các quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành; đáp ứng việc liên thông, gửi nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành qua trục liên thông văn bản quốc gia; đáp ứng tốt việc liên thông gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị trong tỉnh. Hệ thống góp phần triển khai thành công chính phủ điện tử của tỉnh An Giang, giúp giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước. Hệ thống còn giúp thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hướng đến số hóa
Có thể nói, giai đoạn 2016-2020, nội dung hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giữa UBND tỉnh và VNPT đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ứng dụng, hệ thống công nghệ thông minh đã được áp dụng, tạo tiện ích trên nhiều lĩnh vực như: hệ thống “Du lịch thông minh”, hệ thống “Quản lý lưu trú trực tuyến” (VNPT ORM), hệ thống phòng họp không giấy tờ (VNPT-eCabinet), camera an ninh, hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (VNPT-HIS), hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 4.0, dịch vụ học trực tuyến VNPT Elearning, hệ thống kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội (VNPT I-VAN), chữ ký số (VNPT-CA), hóa đơn điện tử, hội nghị truyền hình trực tuyến (VNPT-eMeeting)…
Từ những kết quả đạt được khả quan như trên, VNPT tiếp tục được UBND tỉnh tin tưởng giao xây dựng khung Đề án “An Giang điện tử”. Sau nhiều bước chuẩn bị, ngày 22-3-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 31-5-2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố khung Đề án “An Giang điện tử” gồm 9 lĩnh vực. Đối với chính quyền điện tử, được hình thành trên nền tảng chính quyền thông minh. Về nông nghiệp, xây dựng đề án nông nghiệp 4.0, hướng đến nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao. Đối với du lịch, đầu tư công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quảng bá xúc tiến và cung cấp tiện ích thiết thực cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác bền vững tiềm năng, thế mạnh du lịch An Giang. Trong lĩnh vực an ninh an toàn, sẽ tập trung vào giải pháp camera an ninh và quản lý lưu trú…
Cùng với tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đề nghị trong giai đoạn mới, VNPT tiếp tục hợp tác, hỗ trợ An Giang trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang. Đồng thời, tư vấn triển khai Khu CNTT tập trung tại tỉnh, tạo động lực để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giữa UBND tỉnh và VNPT giai đoạn 2020-2025, VNPT sẽ cung cấp hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số chính quyền, triển khai khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát động khởi nghiệp, kêu gọi, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin… |
NGÔ CHUẨN