Thời tiết bất thường
Năm 2018, lũ bất ngờ lên nhanh và sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 7-10 ngày. Đỉnh lũ đạt 4,09m tại Tân Châu, trên báo động (BĐ) 2 là 0,09m; 3,72m tại Châu Đốc (cao hơn 0,22m so mức BĐ2); còn tại Long Xuyên là 2,7m (vượt 0,2m so BĐ3). Đây được xem là đợt lũ cao nhất sau 2 năm lũ lớn (2000 và 2011).
Là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, từng nhiều năm đối mặt lũ lớn nên An Giang đã triển khai ứng phó kịp thời. “Theo dự báo ban đầu thì đỉnh lũ năm 2018 ở mức trên BĐ2, xấp xỉ BĐ3. Tuy nhiên, nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là chủ động ứng phó trên tinh thần đỉnh lũ vượt mức BĐ3”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nhấn mạnh. Cùng với triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống lũ sớm ở ĐBSCL, An Giang đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; ban hành quy chế trực ban điều hành ứng phó thiên tai. Từ tỉnh đến các địa phương đều xây dựng phương án ứng phó, kế hoạch hiệp đồng PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, tỉnh còn tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực PCTT&TKCN cho 1.733 cán bộ xã, ấp; tổ chức 509 lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè với 15.509 em tham gia tập bơi; tổ chức 6 cuộc diễn tập PCTT&TKCN cấp xã tại 5 huyện...
Khi mùa lũ đến, tỉnh đã tổ chức đưa, rước 1.977 học sinh ở những vùng bị ngập sâu đến trường ở các huyện đầu nguồn, tổ chức 13 điểm giữ trẻ mùa lũ với 784 trẻ, đồng thời bố trí 399 chốt cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu với 3.654 thành viên tham gia trực lũ. Tất cả 156 xã, phường, thị trấn đều được chuẩn bị cơ số thuốc dự trữ cho công tác chống dịch mùa lũ. Qua công tác trực ban và tuần tra, kiểm tra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã phát hiện, xử lý kịp thời trên 160 vị trí cống bọng, bờ bao bị thấm, rò rỉ nước.
Nhờ chủ động ứng phó nên lũ năm 2018 dù xuất hiện bất ngờ nhưng không có thiệt hại về người (năm 2000 chết 134 người, năm 2011 chết 23 người). Về sản xuất, có 2.873ha lúa bị mất trắng (chiếm 1,91% diện tích xuống giống), tập trung ở diện tích xuống giống ngoài đê bao. Trong khi đó, lũ năm 2000 gây thiệt hại 4.947ha lúa, lũ năm 2011 thiệt hại 5.914ha. Lũ 2018 cũng khiến 5 trường học bị ngập đường vào và sân trường, không đáng kể so với năm 2000 (461 điểm trường bị ngập, 130.758 học sinh phải nghỉ học) và năm 2011 (57 điểm trường bị ngập, 1.364 học sinh phải nghỉ học).
Tăng cường tuần tra, kiểm tra trong lũ
Cần thêm hỗ trợ
Một trong những yếu tố giúp An Giang ứng phó tốt với lũ là nhờ tỉnh đã tập trung đầu tư vào hạ tầng sản xuất và cụm, tuyến dân cư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, toàn tỉnh hiện có 421 tiểu vùng đê bao sản xuất vụ thu đông (193.494ha), 222 tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ tháng 8. Ngoài ra, còn có 60.269ha đất sản xuất vùng ngoài đê bao giáp biên giới Campuchia. Sau năm 2001, được sự hỗ trợ của Trung ương, An Giang đã đầu tư xây dựng 247 cụm, tuyến dân cư, bố trí gần 38.000 hộ dân có chỗ ở ổn định và an toàn trong lũ.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ít hơn. Tuy nhiên, cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Ở khu vực Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 11-2019 phổ biến xấp xỉ so với TBNN nhưng riêng tháng 8 cao hơn từ 10-25%. Năm nay, dự báo ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ có thể chỉ ở mức BĐ1 - BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Do bão chủ yếu tập trung tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 8-11 nên ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ nguy cơ xuất hiện nước dâng. Hoạt động của gió mùa Tây Nam cũng có thể gây sóng lớn ở khu vực Nam Biển Đông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng, trong bối cảnh diễn biến thời tiết phức tạp, các cơ quan dự báo cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai cụ thể đến từng địa phương để tỉnh chủ động ứng phó. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù để nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT ở địa phương như: đào tạo, tập huấn, tăng cường cơ sở vật chất, số lượng biên chế phù hợp. Giai đoạn 2019-2020, Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực hiện các dự án bố trí di dời, ổn định dân cư vùng thiên tai (sạt lở, vùng ngập lũ). Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, có thể nghiên cứu cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cụm tuyến dân cư.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 tỉnh báo cáo có nhu cầu và đang triển khai thủ tục để đầu tư xây dựng bổ sung cụm, tuyến dân cư là: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang với 49 dự án, quy mô gần 246ha với tổng vốn 3.002 tỷ đồng, dự kiến bố trí hơn 13.000 hộ dân. Trong đó, An Giang có nhu cầu nhiều nhất với 29 cụm, tuyến dân cư, quy mô 167,23ha, tổng vốn 2.327 tỷ đồng, dự kiến bố trí hơn 7.583 hộ dân. |
NGÔ CHUẨN