Tát đìa tháng Chạp

12/01/2023 - 04:44

 - Trong cái mát mẻ của tiết trời tháng Chạp, dù tất bật công việc cuối năm, người dân quê vẫn dành thời gian tát đìa ăn Tết. Với họ, tát đìa cuối năm giờ đây không còn phổ biến, nhưng phảng phất chút gì đó của cái Tết xưa, khi đời sống vất vả nhưng ấm áp nghĩa tình.

“Mùa” của tuổi thơ

Sinh ra ở quê, tuổi thơ của tôi trải dài trong cái mùi hăng hăng của rơm rạ, với sương sớm đồng xa và cả những ngày ngập ngụa dưới sình trong “mùa” tát đìa bắt cá. Còn nhớ, “mùa” tát đìa tháng Chạp là thời khắc đông vui nhất của xóm nghèo chừng vài chục nóc nhà, nằm rải rác bên tuyến Quốc lộ 91 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Dân quê hồi ấy sống chan hòa, nên mỗi dịp tát đìa là cánh đàn ông trong xóm phải tất bật gần nửa tháng. Thời đó, nhà nào cũng có đìa, hầm hay đoạn mương. Nước lũ tràn đồng, cá vào đìa đẻ trứng, sinh sôi rồi ở luôn trong đó. Lũ rút đi, cá còn kẹt lại, trở thành nguồn thực phẩm Tết cho dân quê. Chừng 20-30 năm trước, không phải nhà nào cũng lo được nồi thịt kho với chục đòn bánh tét treo trong bếp. Do đó, người ta xem tát đìa là cơ hội để có món cúng tổ tiên, cho con cháu được bữa cơm ngon ngày đầu năm.

Tát đìa bắt cá, thú vui của người dân quê thời nay

Vì phải trữ cá ăn Tết nên dân quê hay đợi đến sau 20 tháng Chạp mới bắt đầu tát đìa. Thời gian rọng cá lâu sẽ khiến chúng “sụt thịt”, ăn bớt ngon. Khi tôi còn nhỏ, người ta tát đìa bằng máy Kohle, máy dầu, chứ không còn tát bằng gàu, bằng thau nữa.

Vì vậy, mỗi lần tới “mùa” tát đìa, là chỗ nọ, chỗ kia trong xóm cứ nghe tiếng mày tành tạch từ sáng đến chiều. Tát đìa rộ chừng dăm bữa, nên cánh đàn ông thay nhau vần công. Hôm tát đìa nhà này, người kia qua giúp và ngược lại. Chỉ có đám con nít là không có khái niệm vần công, bởi đìa nào cũng có lực lượng này đi “bắt hôi”.

Nước còn vô đồng nên cá trong đìa thời đó rất nhiều. Đìa nào trúng thì lấy cần xé đựng. Đìa nào thất cũng đủ cá ăn qua Tết. Cá bắt lên xong, người ta lựa cá lóc, cá trê lớn rọng lại ăn Tết, số còn lại biếu chòm xóm và người tham gia tát đìa. Với đám con nít, đứa nào “bắt hôi” giỏi cũng đủ vài bữa cơm cho gia đình ngày cuối năm hối hả. Xong việc, cánh đàn ông nướng cá ăn ngay tại chỗ. Mấy con cá đồng nướng mọi được xếp trên tấm lá chuối, chén nước mắm đồng, vài chén rượu quê khiến cho câu chuyện trở nên rôm rả những ngày cuối tháng Chạp.

Với dân quê thời trước, “mùa” tát đìa giống như “khởi động” cho việc họ bắt đầu ăn Tết. Từ thời điểm tiếng máy lạch tạch nổ từ đầu trên đến xóm dưới, các bà, các mẹ tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm cho ngày đầu năm.

Tát đìa thời hiện đại

Bây giờ, hoạt động tát đìa của người dân quê dần thưa vắng. Vì nhiều lý do, họ lấp đìa để có thêm đất canh tác, hoặc cải tạo để phù hợp với mục đích sử dụng. Hơn nữa, mùa lũ không còn tràn đồng, nên cá chẳng thể sinh sôi nhiều như trước. Do đó, chỉ gia đình nào còn đủ điều kiện thì mới tổ chức tát đìa, nhưng cũng chỉ để cháu con trong nhà tham gia, chẳng cần hàng xóm vần công như trước.

Đã có lần, tôi hẹn những người bạn ở xã Lê Chánh (TX. Tân Châu) đi tát đìa kiếm cá ăn chơi. Số lượng cá không nhiều, nên chẳng mấy ai gọi là “tát đìa ăn Tết” nữa. Tuy nhiên, thói quen chờ đến cuối năm mới tát đìa kiếm cá ăn đã đi vào nếp nghĩ của dân quê. Theo họ, con cá đồng khi ấy đủ lớn, đủ ngon để chế biến thành món khoái khẩu mấy ngày xuân.

Quả thật, tát đìa cũng có thú vui riêng. Sau vài giờ chạy máy, đìa nước rộng mênh mông đã dần phơi đáy. Đám cá cư ngụ dưới đìa nước sau 1 năm dài rong chơi an nhàn bỗng trở nên tán loạn. Chúng lao vùn vụt dưới mặt nước cạn, lộ chiếc vây lưng khiến người trên bờ nhốn nháo.

Mấy người bạn của tôi hăng hái xuống đìa chụp bên này, bắt bên kia. Vì đã quen với việc bắt cá nên họ khá “chuyên nghiệp”. Những con cá lần lượt được lôi khỏi lớp sình, ném lên bờ để tôi lượm bỏ vào thùng. Mỗi khi có cá lớn, mấy anh em lại kêu nhau dí bắt, bởi khi nó vụt sâu xuống lớp bùn nhão nhoẹt thì rất khó tìm thấy. Lúc ấy, lại mất mồi ngon.

Thưởng thức thành quả sau buổi tát đìa

Bây giờ, tát đìa chỉ còn là thú vui của chốn ruộng đồng. Bởi lắm lúc mất cả ngày công cũng chỉ kiếm được vài ba con cá. Khi đó, họ tổ chức nướng cá thưởng thức ngoài đồng mà chẳng cần mang về, vì đó là thành quả lao động vất vả. Hơn nữa, thực phẩm ngày Tết bây giờ đầy ra chợ, nên hiếm ai phải trữ cá để ăn.

Vì xa ruộng đồng quá lâu, tôi không xuống đìa bắt cá với mấy người bạn mà lo việc nhóm lửa, chuẩn bị hậu cần cho khâu thưởng thức. Mấy con cá lóc được rửa sạch, xỏ cây xuyên từ miệng đến đuôi rồi cắm xuống đất. Mớ rơm thủ sẵn từ hôm qua bắt đầu nồng lên mùi khói. Cái mùi vị quê nghèo tưởng chừng đã lãng quên trong ký ức bỗng chốc ùa về, làm tôi nhớ đến những ngày tát đìa xưa cũ.

Cá chín. Người ngồi quây quần trong lán trại đơn sơ. Thi thoảng, mấy cơn gió tháng Chạp lành lạnh kéo đến. Những người bạn mời tôi món ngon dân dã mà ấm nồng dư vị. Với họ và tôi, được tham gia tát đìa, thưởng thức hương vị cá đồng là điều may mắn. Vì theo thời gian, “mùa” tát đìa cũng sẽ chỉ còn là ký ức của ai từng đi qua tháng năm bình dị, khốn khó của quê nghèo.

THANH TIẾN