Hình đồ họa tàu thăm dò InSight. Ảnh: NASA
Theo hãng tin Reuters, tàu đổ bộ InSight được trang bị một bộ công cụ, bao gồm ăng-ten và bộ phát đáp vô tuyến gọi là RISE. Các thiết bị này được sử dụng để theo dõi vòng quay của sao Hỏa trong 900 ngày đầu tiên tàu đổ bộ thực hiện nhiệm vụ trên hành tinh.
Với những dữ liệu ghi nhận, các nhà thiên văn học đã xác định vòng quay của hành tinh Đỏ đang tăng khoảng 4 mili giây mỗi năm, rút ngắn độ dài của một ngày trên sao Hỏa xuống một phần nghìn giây mỗi năm. Một ngày trên sao Hỏa dài hơn một ngày trên Trái đất khoảng 40 phút.
Gia tốc tăng dường như cực kỳ nhỏ. Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến vòng quay của sao Hỏa nhanh hơn. Tuy nhiên, họ nghi ngờ đó có thể là do băng tích tụ ở các cực của sao Hỏa hoặc sự gia tăng của các vùng đất sau khi bị băng bao phủ. Khi khối lượng của một hành tinh dịch chuyển theo cách này, nó có thể khiến hành tinh đó quay nhanh hơn.
Theo một báo cáo nghiên cứu tháng 6 đăng trên tạp khí khoa học Nature, các phát hiện, dựa trên phân tích dữ liệu InSight được chia sẻ trước khi tàu thăm dò cạn điện và ngừng hoạt động.
Ban đầu, tàu thăm dò InSight, sứ mệnh đầu tiên nghiên cứu bên trong sao Hỏa, được cho là kéo dài khoảng hai năm sau khi tàu hạ cánh vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, NASA đã kéo dài sứ mệnh thêm hai năm nữa.
Tàu thăm dò InSight tiếp tục thu thập dữ liệu về sao Hỏa cho đến khi nó dừng hoạt động hẳn vào tháng 12/2022.
Tàu thăm dò InSight được trang bị những công cụ với những tiến bộ trong công nghệ vô tuyến vốn là một cải tiến vượt bậc so với những gì tàu đổ bộ Viking trong những năm 1970 và Pathfinder trong những năm 1990. Việc nâng cấp lên Mạng không gian sâu hoặc các ăng-ten khổng lồ được đặt tại ba điểm chiến lược trên Trái Đất để chuyển tiếp thông tin từ các tàu không gian cũng nâng cao độ chính xác của dữ liệu do InSight thu thập và gửi về Trái Đất.
Các nhà khoa học đã sử dụng Mạng không gian sâu để truyền tín hiệu tới RISE trên InSight, sau đó phản xạ tín hiệu trở lại Trái Đất. Những tín hiệu được chuyển tiếp này đã giúp các nhà nghiên cứu theo dõi những thay đổi tần số nhỏ do dịch chuyển Doppler gây ra.
Tác giả chính của nghiên cứu Sebastien Le Maistre, điều tra viên tại Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ, cho biết: “Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là những biến thể chỉ vài chục cm trong suốt một năm trên sao Hỏa. Phải mất một thời gian rất dài và rất nhiều dữ liệu để tích lũy trước khi chúng tôi có thể nhìn thấy những biến thể này”.
Những nghiên cứu trước đây xác nhận sao Hỏa có lõi kim loại nóng chảy. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng RISE để đo lường sự dao động của sao Hỏa khi phần lõi trượt quanh bên trong nó. Theo dõi sự dao động của sao Hỏa cho phép nhóm nghiên cứu đo được kích thước của lõi. Dữ liệu RISE gợi ý lõi sao Hỏa có bán kính khoảng 1.835 km.
Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)