Niềm vui cá trúng
Cuộc đời “gạo chợ, nước sông”
Gắn bó với nghề gần 40 năm, anh Huỳnh Văn Trọn (ngụ xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) lang bạc hầu hết những cánh đồng từng được xem là xứ cá của vùng biên giới An Giang, như: Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai (huyện An Phú), Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) và có khi sang tận miệt Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) để mưu sinh. Có lẽ những năm tháng bôn ba đã khiến cho ngoại hình người ngư dân này phảng phất nét cần lao, với làn da rám nắng và kiểu ăn nói “đặc sệt” miền Tây.
“Nghề này theo tui từ nhỏ khi phải theo ông già đi kiếm con cá, con cua hết mùa nước rồi tới mùa khô. Vì hồi đó không mê cái chữ, nên lớn lên phải gắn bó với tấm lưới, cây dầm mà tới giờ chưa buông được. Hồi trước, đồng nhiều cá, dân câu lưới ít khi phải đánh bắt đồng xa. Bây giờ, muốn sống được phải chịu khó lặn lội khắp nơi. Đi tới đâu, mình sống theo kiểu “gạo chợ, nước sông” quanh năm suốt tháng. Có khi mỏi mệt thì về nhà ít bữa lại xuống xuồng tiếp tục rong ruổi kênh này, sông nọ” - anh Trọn tâm tình.
Trong câu chuyện đời của anh Trọn, đã hiện lên những ngày ngụp lặn dưới con nước cuối tháng 10 (âm lịch) với những cơn gió bấc cắt da, hay những đêm soi đèn đi gỡ cá nhìn mê cả mắt. Đó còn là những ngày mưa bão, phải nằm co trong lán trại đơn sơ mà lo cho những ngày tiếp theo phải sống ra sao. Cực khổ là thế, nên có vài lần anh Trọn cùng vợ khăn gói lên tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với ước vọng thay đổi cuộc sống, nhưng rồi lại trở về với chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm. Sông nước đối với anh gần gũi, thân thương! Mà anh nghĩ, chắc nghề “bà cậu” là cái nghiệp của mình nên có cực khổ, có vất vả anh vẫn sống được với con cá, con cua và lo đủ cho mấy đứa con cắp sách tới trường.
“Cuộc đời tui quanh quẩn với con cá, con cua. Những ngày đi làm thuê, đồng lương ổn định nhưng mình cứ thấy cuồng tay, cuồng chân như thiếu cái gì thân quen lắm. Với lại, cuộc sống xứ người bon chen quá, tui không ở được nên trở về nhà. Ở quê dù có thiếu thốn một chút nhưng không tới mức đói. Mấy tháng mùa khô, tui chịu khó lặn lội cũng có cái ăn. Tới mùa nước thì ráng tích cóp tiền, rồi cũng đón cái Tết ấm cúng như người ta. Năm nay nước lớn, cá nhiều, vợ chồng tui ráng đợi cuối mùa về luôn một thể. Đồng vô năm nay khá, gia đình ăn Tết vui hơn!” - anh Trọn thiệt tình.
Ngày xuân ấm cúng
Những cơn gió đồng hiu hiu thổi làm mấy đám cỏ hồng bên bờ kênh Tha La phất phơ dưới ánh nắng chiều. Đồng nước mênh mông, lòng người rộng mở. Tư Hừng (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) thư thái ngồi nhấp chén trà nhạt, nhìn về mấy ngọn núi xa xa còn bàng bạc ánh mặt trời.
“Năm nay, dân cất vó cũng có ăn, với con nước cuối tháng 10 (âm lịch), giúp anh em bỏ túi cả triệu đồng mỗi ngày. Lệ thường, nếu chịu cất vó thường xuyên cũng kiếm được ít trăm, đủ xài và dư một ít để dành ăn Tết. Năm nào tui cũng trông vô mấy con nước cuối mùa để về nhà ăn Tết. Mà như “bà cậu” thương mình, dù đầu mùa có thất tới đâu nhưng cuối vụ được mấy ngày cá trúng để có đường sống. Bởi vậy, tui đi đâu cũng vái “bà cậu” phù hộ cho mình” - Tư Hừng chia sẻ.
Có lẽ, dưới dòng nước sâu kia, những đàn cá sau mấy tháng lên đồng rong chơi đã đủ lớn để về cùng sông lớn. Khi ấy, chúng lại nuôi sống những người làm nghề “bà cậu” và mang cho họ những cái Tết ấm êm. Với Tư Hừng, mỗi cái Tết đi qua, ông cảm nhận được sự già nua đè nặng lên đôi tay cần lao. Tuy nhiên, lão ngư dân này vẫn thấy lạc quan mỗi khi mùa xuân đến, bởi đó là thời khắc ông trở về sum họp với gia đình, trong gian nhà ấm cúng, đơn sơ.
“Thường thì tới ngày 20 tháng Chạp, tui kêu má tụi nhỏ về lo dọn dẹp nhà cửa, mua đồ chuẩn bị ăn Tết. Còn tui sẽ ở lại trại để đón con nước 25 tháng Chạp, kiếm thêm ít tiền để ăn Tết vui hơn. Tới ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, tui dọn dẹp trại trở về nhà. Dù cuộc sống có vất vả tới đâu, tui cũng ráng chạy lo nồi thịt kho, mớ bánh tét cúng ông bà. Được ít tiền dành dụm trong mùa nước, vợ chồng tui cũng yên tâm. Vui nhất là con cháu về thăm 2 vợ chồng trong những ngày Tết” - Tư Hừng tâm sự.
Cũng là dân kỳ cựu trong nghề, Ba Tùng (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) là ngư dân quen thuộc của bến chợ Tha La trong mùa nước nổi. Năm nay, Ba Tùng dự định về ăn Tết sớm. Ông muốn tự tay lặt những lá mai già ngoài sân, sơn lại cái hàng rào loang lỗ dấu nắng mưa, quét dọn bàn thờ ông bà để còn đón giao thừa trong sự ấm cúng, thiêng liêng. Năm nào thất, Ba Tùng ăn Tết đơn sơ. Năm nào trúng mùa cá, Tết của ông vui vẻ hơn với tiếng cười, tiếng nói trong gian nhà nhỏ với đủ thứ vật phẩm đầy ắp bàn thờ gia tiên.
“Gia đình tui có thể không khấm khá, nhưng chắc chắn tới Tết phải tụ họp cùng nhau. Mấy đứa nhỏ năm nào cũng về chơi ít bữa rồi trở ra TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương làm. Bởi vậy, tui chỉ mong đến Tết để gặp lại cháu con. Rồi mấy ông bạn già ở xóm cũng họp nhau nói chuyện đời, nhâm nhi ly rượu mừng năm mới. Loay hoay là tới ra giêng, tui lại xuống xuồng tiếp tục với cây dầm, tấm lưới” - Ba Tùng kể.
Sau mấy chục năm theo nghề, Ba Tùng vẫn luôn tin tưởng vào vị thần đã song hành với nghề hạ bạc. Và trên những bờ bến mưu sinh, ông vẫn luôn mong ước mỗi năm được “bà cậu” cho mình một cái Tết tươm tất, ấm cúng, đoàn viên.
Chẳng biết từ khi nào, dân câu lưới cứ hay nói về nghề nghiệp của mình là nghề “bà cậu”. Với cách lý giải đơn sơ, “bà cậu” vốn là một vị thần sông nước, luôn phù hộ cho dân theo nghề có được mẻ cá ngon đắp đổi qua ngày. Bởi thế, hôm nào trúng mánh, họ cho đó là “bà cậu” đãi và luôn tin tưởng vào vị thủy thần này. Đó là lý do dân thương hồ hay có bàn thờ “bà cậu” đặt trang trọng trên ghe. Với người theo nghề câu lưới, họ ít khi có bàn thờ riêng mà hay khấn vái vị thần này trong mỗi bữa cơm đạm bạc theo cuộc đời “gạo chợ, nước sông” của mình. |
THANH TIẾN