Tết ông Công, ông Táo

22/01/2025 - 07:20

 - Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu đã diễn ra trong gia đình suốt năm qua. Đêm giao thừa, Táo Quân mới quay về hạ giới để tiếp tục giúp đỡ các gia đình, cuộc sống của mỗi nhà.

Táo Quân có nguồn gốc từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được người Việt Nam chuyển hóa sự tích 2 ông - 1 bà, là vị thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Táo Quân và thờ cúng với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Tết ông Công, ông Táo là một trong những phong tục quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt Nam, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, các gia đình sẽ tiến hành lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình gia đạo trong năm qua. Đây còn là dịp để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong may mắn, bình an cho gia đình trong năm mới.

Mỗi vùng miền lại có cách gọi khác nhau. Ở miền Bắc gọi là “ông Công, ông Táo”, miền Trung và miền Nam thì gọi là “ông Táo về trời”. Trong cuốn “An Nam tục sách” của Đoàn Triển viết về phong tục cúng ông Táo: “Đàn ông, đàn bà ăn mặc tề chỉnh, đi chợ mua tiền vàng, áo mã làm đồ thờ cúng gia tiên, áo mũ để làm lễ tiễn ông Táo... Bỏ ông đầu rau cũ đến một chỗ sạch, đem đầu rau mới thay vào… Lễ tiễn Táo Quân thường hay dùng một con cá chép gọi là ngựa của Táo Quân”. Tác giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã đề cập đến thời gian và nghi lễ cúng ông Táo: “Ngày 23 tháng Chạp là Tết Táo Quân, người dân mua 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà để thờ, mua thêm con cá chép để làm ngựa cho Táo Quân lên chầu trời”…

Mâm lễ cúng Táo Quân

Năm nay, ngày Tết ông Công, ông Táo nhằm thứ tư, ngày 22/1. Tuy nhiên, nếu gia chủ bận rộn vào ngày này, họ vẫn có thể tiến hành cúng Táo Quân vào ngày trước hoặc sau đó. Lễ cúng Táo Quân thường bao gồm việc chuẩn bị mâm cúng với các món ăn, trái cây và đặc biệt là con cá chép còn sống, hoặc cá chép giấy. Sau khi cúng, gia đình sẽ thả cá xuống sông hoặc ao hồ để ông Táo có thể “bay” về trời. Cá chép không chỉ là phương tiện để Táo quân cưỡi về trời, mà còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì và khát vọng vươn lên, giống như hình ảnh “cá chép hóa rồng”. Việc cúng tiễn ông Táo về trời là dịp bày tỏ lòng thành kính và để gia đình cầu mong may mắn và thịnh vượng cho năm mới.

Từ nhiều ngày trước, người ta đã bày bán các bộ đồ cúng đầy đủ các món trông rất bắt mắt và sang trọng, giá chỉ vài chục ngàn đồng. Theo ghi nhận, các mặt hàng năm nay có nhiều mẫu mã đẹp và phong phú trong thiết kế, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn phù hợp với nhu cầu. Những mẫu mã đẹp mắt và đa dạng giúp mâm lễ vật thêm trang trọng, thể hiện sự tôn trọng đối với tín ngưỡng và phong tục truyền thống.

Tiễn ông Công, ông Táo, người dân không chỉ cầu mong sự an lành, thịnh vượng, mà còn gửi gắm những mong muốn xua đi những vất vả, muộn phiền của năm cũ. Cá chép không chỉ là phương tiện để Táo Quân cưỡi về trời, mà còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì và khát vọng vươn lên, giống như hình ảnh “cá chép hóa rồng”, cá chép vượt vũ môn. Qua đó, thể hiện sự biết ơn và tôn trọng đối với những đấng linh thiêng đã giúp bảo vệ gia đình trong suốt một năm, đồng thời là dịp để mỗi người nhìn lại và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

Đây cũng là dịp mọi người trở về nhà sum họp, quây quần sau một năm làm việc vất vả. Chị Phạm Thị Như (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Lễ cúng ông Táo năm nay nhằm ngày thứ tư, mặc dù đi làm việc nhưng tôi cũng tranh thủ đi chợ sớm để chuẩn bị các món chè, bánh truyền thống, xôi, gà luộc để cúng. Cá chép thì mua từ chiều hôm trước để lựa cá đẹp, mạnh khỏe. Mâm lễ cúng tươm tất không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn gửi gắm mong muốn năm mới gia đạo bình an, sung túc, phát triển mạnh mẽ”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, lễ cúng ông Công, ông Táo không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền… Tùy điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng khác nhau. Quan trọng là ở tinh thần và thái độ trân trọng!

Lễ cúng Táo Quân thể hiện sự tri ân với các bậc nhân thần, thiên thần đã giúp cho nhân gian “mưa thuận, gió hòa”, gia đạo bình an, sung túc. Qua đó, thể hiện sự trân trọng, đề cao lòng nhân ái, thủy chung, thương yêu đùm bọc và gắn kết các thành viên trong gia đình.

HỮU HUYNH