Tết quê, Tết chợ

04/02/2022 - 08:00

 - Theo thời gian, phong tục đón Tết của người Việt thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn giữ được nét cốt lõi trong văn hóa ngàn đời, đó là sự đoàn viên. Tuy nhiên, cách đón Tết của người dân ở thôn quê và chốn thị thành vẫn đôi phần khác biệt.

 

Tết quê luôn ấm cúng mà bình dị

Góc xuân nơi phố thị

Tết quê

Lớn lên từ đồng ruộng, tôi đắm mình trong không gian Tết quê đã mấy mươi lần. Từ ngày thơ bé, Tết đối với anh em tôi là dịp mặc quần áo mới, nhận bao lì xì đầy phấn khởi. Tết giản đơn, chân chất nhưng lại chứa rất nhiều kỷ niệm. Còn nhớ, khoảng 20 tháng Chạp, mẹ tôi tất bật chuẩn bị cho gia đình ăn Tết. Lúc đó, ba tôi suốt ngày ngoài rẫy lo vụ thu hoạch cuối năm, mong muốn sẽ được đủ đầy trong nhà vào ngày xuân. Anh em tôi phụ mẹ lau dọn nhà cửa, chùi bóng bộ lư trên bàn thờ. Tới ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, mẹ tranh thủ làm mâm cúng nhỏ, ít bánh kẹo, trái cây để đưa vị thần cai quản bếp núc lên thượng giới.

Nói thật, với đám con nít hồi đó, ông Táo ở xa xôi lắm. Chúng tôi chỉ thòm thèm dĩa mứt thèo lèo mà mỗi khi cúng xong, mẹ thường cho. Đến ngày 26 Tết, nhà cửa đã dọn dẹp xong. Ba ra sân lựa nhánh mai đẹp nhất mang vào nhà chưng. Khi nhìn thấy những nụ mai xanh tươi dần hé sắc vàng thanh tao trong tiết trời dịu mát, chúng tôi bắt đầu nôn nao.

Ngày 28 Tết, như mọi nhà xung quanh, mẹ gói bánh tét và nấu nồi thịt kho nước dừa để cúng ông bà. Tùy điều kiện kinh tế mà nồi bánh, nồi thịt của mỗi nhà to, nhỏ khác nhau. Nhưng ai cũng cố gắng chuẩn bị nhiều một chút để con cháu ăn lai rai suốt mấy ngày Tết. Mỗi gia đình sẽ “rước ông bà” trong ngày 28 hoặc 30 Tết, nhưng tựu chung vẫn mang cái không khí ấm cúng, thiêng liêng.

Chờ mãi thì ngày mùng 1 Tết cũng đến. Gia đình tôi đi thăm họ hàng, chúc thọ người lớn tuổi, rồi về nhà nội ăn Tết chung cho vui. Tụi nhỏ khoanh tay mừng tuổi người lớn, nói những lời chúc tốt đẹp để được nhận mấy bao lì xì - giá trị chỉ vài nghìn đồng, nhưng vui không tả nổi. Không chỉ chúc Tết người thân trong gia đình, anh em tôi còn đến mừng tuổi họ hàng để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, kính trọng người lớn tuổi.

 Sau này, dù lớn tuổi, ba mẹ tôi vẫn giữ thói quen về thắp hương tại nhà nội trong ngày mùng 1 Tết, cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu năm mới an lành, may mắn. Không riêng gia đình tôi, hầu như nhà nào ở quê cũng giữ thói quen này. Có thể Tết quê ngày nay đã có những “cách tân” theo thời gian, nhưng vẫn đề cao tính truyền thống, 2 chữ “đoàn viên” mang đủ đầy ý nghĩa.

Tết chợ

Công việc của tôi hay đi, về giữa quê và chợ nên ít nhiều cảm nhận được không khí Tết đặc trưng của từng nơi. Tết ở thị thành luôn rực rỡ cờ hoa, phố xá đông đúc, người xe tấp nập. Mấy chợ hoa Tết những ngày cuối năm cứ ken cứng người vào cái thời “chưa COVID-19”. Hoa kiểng khắp nơi đua nhau về khoe sắc. Phố xá thời điểm này được trang hoàng đẹp mắt với ước mong thịnh vượng, phát triển hơn nữa trong năm mới. Những người bạn sống ở thị thành nói với tôi rằng, Tết ở phố náo nhiệt, vui vẻ với những chuyến đi chơi, cuộc viếng thăm của bạn bè hoặc đối tác trong công việc. Có khi, họ chìm trong cuộc gặp gỡ mà chẳng kịp cảm nhận được Tết như thế nào.

Ở phố thị, thức ăn ngày Tết luôn đủ đầy, có khi thừa mứa. Người ta tranh thủ mua sắm, dự trữ thức ăn để thiết đãi bè bạn, người quen đến chơi. Nhưng đa phần là thức ăn chế biến sẵn, mua về là dùng được ngay. Do đó, việc bếp núc cũng thưa vắng. Nếu không đủ thân thiết, người ta hạn chế giao tiếp. Chủ yếu họ tìm nơi giải trí, đi ăn uống hoặc đi du lịch ở đâu đó theo quy mô gia đình.

Những năm trước, tôi hay dạo phố phường ngày xuân để cảm nhận cái tấp nập, hối hả của Tết. Người ta chạy tới, chạy lui mua sắm. Các chợ bày biện đủ thứ, từ thức ăn đến vật phẩm trang trí. Không khí mua bán tất bật, khiến cho bất cứ ai cũng thấy nôn nao, chờ mong khoảnh khắc bước sang năm mới. Khi sang năm mới, phố phường lại vắng hơn thường lệ, bởi những cuộc “di dân ngược” trở về với ruộng đồng, với…Tết quê!

 Họ thường chia sẻ rằng: “Ở quê ăn Tết thấy nhẹ nhàng, ấm cúng mà vui vẻ”. Đối với họ, Tết là sự trở về! Bởi lẽ, ở quê có mái nhà xưa, có không gian tuổi thơ đã cưu mang ký ức buổi thiếu thời. Và hơn hết, Tết là phải đoàn viên! Do đó, chẳng có gì lạ khi dân thị thành hay nói với nhau rằng sẽ “về quê ăn Tết” trong những ngày đầu năm. Đã nhiều lần, tôi nghe một đồng nghiệp của mình kể chuyện về quê ăn Tết. Anh là dân phố thị gần 20 năm, nhưng vẫn tranh thủ đưa vợ con về miệt Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đón Tết hàng năm. Sau những chuyến đi ấy, tôi thấy anh vui đến lạ, câu chuyện ăn Tết ở quê cứ xuất hiện đều đều trong các lần gặp gỡ kế tiếp. Xuất thân ở vùng nước mặn đồng chua, anh chưa bao giờ quên con cua, con cá chốn quê nghèo. Vì vậy, dù bận đến đâu, anh cũng tranh thủ về quê ăn Tết.

Có thể do cuộc mưu sinh, người ta sẽ dấn thân nơi phố chợ để tìm kiếm cơ hội cho mình. Nhưng sau tất cả, họ vẫn muốn về với Tết quê để sống trong không khí đoàn viên, ấm cúng. Có lần, tôi bắt gặp ở đâu đó câu thơ man mác: “Mỏi mê với chốn đông người/ Cái nhìn thì mỏng, cái cười thì nông/ Thôi ta về với ruộng đồng/ Lại gieo tục ngữ, lại trồng ca dao…”.

THANH TIẾN