Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchan cho biết dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại vào cuối năm nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: THX-TTXVN
Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) cho biết khoảng 3 triệu người Thái Lan hoàn thành 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm mũi tăng cường thứ 3 từ cuối tháng 9 tới. Theo Cục trưởng DDC Opas Karnkawinpong, mũi vaccine tăng cường sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn cung tại thời điểm đó.
Tờ Bangkok Post dẫn một nguồn tin của Bộ Y tế Thái Lan cho biết ban đầu vaccine của các hãng AstraZeneca và Pfizer sẽ được dùng để tiêm nhắc lại vì đến thời điểm đó sẽ có đủ nguồn cung từ hai nhà sản xuất này. Trong số 3 triệu người cần tiêm mũi nhắc lại, nhiều người đã được tiêm hai mũi vaccine của Sinovac trước đó ít nhất 3 tháng.
Tính đến ngày 28-8, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 30.679.289 liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc, trong đó 22.807.078 liều là mũi tiêm thứ nhất, 7.287.885 liều là mũi tiêm thứ hai và 584.326 là mũi tiêm tăng cường.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Thư ký Thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit cho biết làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 ở Thái Lan đang có những dấu hiệu giảm bớt, do đó, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh ở Bangkok và các tỉnh xung quanh đã giảm, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.
Trước đó, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã thông báo nới lỏng các hạn chế để phòng, chống COVID-19 đối với một số doanh nghiệp ở 29 tỉnh thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt, bao gồm nhà hàng, trung tâm mua sắm, thẩm mỹ viện, cửa hàng mát-xa và công viên, kể từ ngày 1-9.
Ngoài ra, dự kiến từ đầu tháng tới Tổng cục Hàng không dân dụng Thái Lan sẽ cho phép thực hiện các chuyến bay thương mại nội địa đi và đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h00 tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau vẫn có hiệu lực thêm ít nhất 2 tuần nữa.
Ngày 30-8 Thái Lan ghi nhận thêm 15.972 ca mắc mới COVID-19 cùng 256 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số các ca mắc lên 1.190.063 ca, trong đó có 11.399 người không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) cho biết có thể khôi phục "chiến dịch" hoàn tiền cho các dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến kể từ tháng 9 tới nhằm làm giảm những tác động của làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 đối với người dân nước này.
Cụ thể, người tiêu dùng sẽ được nhận lại 10.000 won (8,60 USD) cho mỗi 4 đơn đặt hàng được thực hiện trên các ứng dụng giao hàng trực tuyến trị giá 20.000 won-đơn hàng. Chiến dịch này dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực trước kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu) vào tháng 9 tới để giúp tăng chi tiêu trong ngành dịch vụ-khách sạn.
Với khoảng 20 tỷ won được dành cho chiến dịch này, các khoản chiết khấu sẽ có sẵn trên cơ sở "ai đến trước được phục vụ trước". Việc hoàn tiền chỉ dành cho các đơn hàng được thực hiện trên 14 ứng dụng đặt đồ ăn phổ biến ở Hàn Quốc (bao gồm Baemin, Yogiyo, Coupang Eats và KakaoTalk...) và tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của khách.
Do Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động đợt thứ nhất của chiến dịch hoàn tiền này trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 vừa qua nên trường hợp các đơn hàng đã đặt trong khoảng thời gian trên mà chưa được hoàn tiền cũng sẽ được chuyển tiếp đến đợt thứ hai này.
Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch tung ra các phiếu giảm giá tương tự cho các rạp chiếu phim, triển lãm và chương trình trực tiếp sau khi tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19 đạt 50%.
Các phiếu giảm giá tương tự cũng đã được giới thiệu cho các loại hình khác như xe buýt, tàu điện và khách sạn sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%. Tuy nhiên, do làn sóng lây nhiễm thứ tư bùng phát và lây lan rộng, bắt buộc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nên các kế hoạch này đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Theo Báo Tin Tức