Thăm lại Khu Lưu niệm Bác Tôn

15/08/2024 - 06:40

 - Một chiều tháng 8, chúng tôi qua thăm Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Đây là khu di tích được xếp hạng đặc biệt, vùng quê của một vị lãnh tụ được mọi người kính mến.

Những chuyến phà Trà Ôn nối liền trung tâm TP. Long Xuyên và cù lao Ông Hổ liên tục chở khách qua lại dòng sông Hậu. Trên phà đa số là người dân xã Mỹ Hòa Hưng đi buôn bán, lao động, học sinh đến trường. Phà chậm rãi vượt sông, dòng nước đục ngầu đặc trưng mang lượng phù sa dồi dào. Khung cảnh nhẹ nhàng, thư thái, bình dị. Phà cặp bến, dòng người hối hả chạy lên, một góc cù lao bỗng đông đúc, nhộn nhịp.

Đi đường vòng bọc quanh cù lao khoảng 10 phút, chúng tôi đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trước tiên, chúng tôi thăm ngôi nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn. Lối kiến trúc mộc mạc, giản dị mang đậm truyền thống Nam Bộ, ngôi nhà đã trải qua hàng trăm năm, vẫn giữ nguyên trạng ban đầu. Kiệu (lu nước) sinh hoạt được đặt cặp lối cầu thang lên nhà, bên trong là bộ ngựa mà bác thường nằm thời niên thiếu, ấm trà thường dùng… tất cả vẹn nguyên như thời điểm Người rời đi.

Phía đối diện, khu lưu niệm rợp mát với những hàng cây cao thẳng, phủ màu xanh tươi. Ấn tượng nhất là chuyên cơ YAK- 40, ký hiệu VNA 452 của Hàng không Việt Nam, chiếm một vị trí “đắc địa” trong sân.

Đây là chuyên cơ đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) để chủ trì Đại lễ mừng chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước. Chuyên cơ được đưa từ sân bay Liên Khương - Lâm Đồng về Khu lưu niệm Chủ Tịch Tôn Đức Thắng, hoàn thành lắp đặt vào ngày 28/7/2007.

Gần đó là chiếc xe hơi hiệu Peugeot 404 - phương tiện đưa rước Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội. Trải qua nhiều năm, xe vẫn còn khá mới, do được bảo quản cẩn thận. Một số chỗ bị ăn mòn theo thời gian, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hiện vật.

Nhà trưng bày chứa đựng những hiện vật, vật dụng đã cùng Bác Tôn trải qua năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, như: Chiếc xe đạp (Đức tặng nhân dịp Bác Tôn sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức); chiếc đồng hồ đeo tay Bác sử dụng từ năm 1954 đến lúc mất (1980); đôi giày được bộ đội Trung đoàn Bảo vệ 66 tặng năm 1946, Bác dùng để tập thể dục đến cuối đời; bộ đồ nghề Bác tự sửa chữa vật dụng sinh hoạt...được lưu giữ một cách cẩn thận.

Không chỉ có máy bay, xe hơi, xe đạp, khu lưu niệm còn trưng bày chiếc tàu tuần tiễu PCF (The Patrol Craft Fast) do Mỹ sản xuất, sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam từ năm 1954 - 1975. Cũng chính con tàu này, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), được sử dụng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Tàu có độ dài 15m, vỏ làm bằng nhôm, được trang bị 2 động cơ diesel 480 mã lực, radar, súng máy 12,7mm M2 Browning, súng máy M60, súng cối 81mm. Dưới kênh là chiếc tàu Giang Cảnh, đã đưa rước Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê tháng 10/1975.  

Vừa tham quan, anh Hồ Quốc Huy (ngụ TP. Long Xuyên) vừa chia sẻ: “Hồi còn học THCS, hầu như năm nào chúng tôi cũng được thầy cô dẫn sang đây chơi vào dịp 20/11 hay sau buổi tổng kết năm. Thời đó, khu lưu niệm vẫn còn trống trải. Thầy cô kiêm luôn hướng dẫn viên, dẫn đám học trò đi từng nơi, giới thiệu từng hiện vật của Bác, giúp tụi nhỏ hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, về người chiến sĩ cách mạng gương mẫu, giản dị, cần - kiệm - liêm - chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. 

Khu lưu niệm giờ đã được xây dựng khang trang, rộng rãi. Tháng 8 hàng năm, gần đến kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888), các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Trung ương, địa phương, học sinh, người dân, du khách các nơi đến viếng rất đông. Thắp nén nhang trước Đền thờ Bác Tôn, chúng tôi cúi đầu tôn kính trước vị lãnh tụ đã góp công lao to lớn, để thế hệ hôm nay được hưởng hòa bình, tự do.

Bất chợt trời lất phất mưa, không gian trở nên yên tĩnh hơn. Không vội đi vào, chúng tôi nán lại ở lối đi cuối của khu di tích. Một bên là sông Hậu hiền hòa, một bên là hàng cây thẳng tắp, phảng phất nét quê bình dị, khác hẳn phố thị đông đúc, ồn ào, tấp nập. Chẳng ai trong chúng tôi nói gì ngoài lời tạm biệt, nhưng chắc chắn ngày nào đó, tất cả sẽ quay trở lại vùng quê này, địa chỉ đỏ mà người dân An Giang nào cũng ghi nhớ trong tim. 

ĐĂNG LÂN