Để đến được xóm cồn, từ bờ kè Nguyễn Du (phường Mỹ Bình), chúng tôi phải thuê 1 chiếc đò qua sông. Chỉ cần nói muốn đến nhà ai, những người lái đò sẽ đưa bạn đến tận nơi cần đến mà không cần phải diễn tả dài dòng. Bởi, xứ cồn ấy với họ thân thuộc như “lòng bàn tay”. Lướt qua những “con sóng bạc đầu”, chưa đầy 10 phút, chiếc đò cập bến đưa tôi đến ngay Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (điểm 2). Ngoài trường mẫu giáo thì đây là ngôi trường cấp I duy nhất ở nơi đây. Đương là giờ ra chơi nên học sinh tung tăng khắp sân trường với tiếng nói cười hồn nhiên. Khuôn viên trường khá rộng, những dãy lớp học bày trí khang trang, sạch sẽ tạo thêm không khí phấn khởi của ngày đầu năm. Nhìn học sinh nô đùa, cô Huỳnh Lương Thị Ngọc Dung (giáo viên điểm 2, Trường Tiểu học Nguyễn Hữu cảnh) bày tỏ: “Từ thứ hai đến nay, các em đi học rất đầy đủ nên công tác vận động học sinh ra lớp không khó khăn với chúng tôi. Song, khó khăn nhất vẫn là bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn của các em. Vì đa phần học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê, làm mướn... Đặc biệt là thẻ bảo hiểm tai nạn, dù chỉ có 75.000 đồng/thẻ nhưng với các em cũng là một số tiền lớn. Mà ở xứ cồn thì sông nước mênh mông, chưa kể tai nạn bất ngờ khác nếu không cẩn thận sẽ có thể xảy ra. Có được tấm thẻ bảo hiểm tai nạn cũng phần nào hỗ trợ các em hơn. Vậy mà, đó vẫn là khó khăn lớn nhất của chúng tôi vào mỗi năm học mới. Nhìn các em hồn nhiên vui đùa mà chúng tôi lo lắng lắm!”.
Những ngày đầu năm học mới ở xóm cồn
Năm học 2019-2020 này, Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (điểm 2) có khoảng 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các khoản tập, sách đầu năm, hầu như học sinh không phải lo. Bởi, dù nghèo khó, thiếu thốn nhiều thứ nhưng giáo viên ở đây quyết không để học trò mình thiếu sách, vở ngay từ ngày đầu năm. Nhờ được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nên đến thời điểm này, học sinh xứ cồn luôn tự tin đến trường với đầy đủ tập, sách. Để linh hoạt, giáo viên còn lập một danh sách do học sinh kê khai là thiếu những sách gì để mượn từ thư viện của trường học điểm chính về cho học sinh học với cam kết phải bảo quản thật cẩn thận. Chỉ về phía bao quần áo mới được một nhà hảo tâm gửi tặng cho học sinh, cô Dung vui mừng nói nhờ có những tấm lòng như vậy mà học sinh không còn lắm lem như xưa, quần áo sạch đẹp hơn. Song, thiệt thòi lớn nhất của học sinh xứ cồn này chính là sự “nghèo nàn” về thế giới quan xung quanh. Ở đây, các em chỉ biết con sông, bến đò, chiếc ghe, trường học… những gì hiện hữu trước mắt. Còn những thứ khác như: công viên, con trâu, ruộng lúa… các em hoàn toàn không cảm nhận được vì chúng chưa từng xuất hiện trước mắt các em.
Đó không chỉ là thiệt thòi mà còn là khó khăn của giáo viên trong quá trình truyền đạt kiến thức. Rõ nhất là ở môn tập làm văn, nếu đề bài bắt tả công viên thì bài làm các em rất rập khuôn, không hề có sự mới mẻ, linh động trong cách viết. Vì nơi đó, các em chưa từng được đến bao giờ, chỉ được giáo viên miêu tả lại mà thôi! Điểm đặc biệt ở trường học này mà chúng tôi cảm nhận được là 5 giáo viên ở đây đều là nữ. Trong đó đã có đến 4 cô nhà ở các phường: Mỹ Xuyên, Bình Khánh, Mỹ Bình. Mỗi ngày, các cô phải tranh thủ chu toàn việc gia đình từ rất sớm để có mặt tại bến đò trước 7 giờ, cùng nhau qua sông cho kịp giờ dạy học. Vất vả là thế, song khi được hỏi có bao giờ nản chí và hụt hẫng khi về dạy ở xóm cồn không, các cô đều khẳng định chắc nịch là không! Lý do duy nhất là vì học sinh ở đây đã quá thiệt thòi về mọi mặt, là giáo viên thì phải cần yêu thương các em nhiều hơn, giúp các em hình thành nhân cách tốt đẹp, thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Năm học mới lại bắt đầu, hy vọng những đều tốt đẹp nhất sẽ đến với cô trò nơi đây để tiếng giảng bài trên lớp không còn nặng trĩu những lo âu, bận tâm nhiều như bây giờ, để những nụ cười trên gương mặt trẻ thơ thêm trọn vẹn!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN