Bảo tàng Thế giới cà phê
Làng cà phê Trung Nguyên tọa lạc tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột với quy mô rộng khoảng 2ha, xây dựng bởi Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, hoàn thành năm 2008. Công trình được ví như một bảo tàng lịch sử về văn hóa cà phê lớn nhất Tây Nguyên, mang đậm bản sắc dân tộc và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cà phê. Không gian của Làng cà phê Trung Nguyên gồm 5 khu với những chức năng khác nhau là: thưởng thức, ẩm thực, siêu thị, bảo tàng và quầy cung cấp thông tin.
Du khách được xem những vườn cà phê cổ với các loại cà phê chè, vối, mít… đã được dày công sưu tập qua nhiều năm, có cây tuổi thọ hơn 30 năm. Nơi đây còn trưng bày những hiện vật cổ có giá trị lớn và lâu đời nhất của Tây Nguyên như: bộ sưu tập cồng chiêng, các công cụ, nông cụ, vũ khí... gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày và trong văn hóa, tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên.
Những dụng cụ dùng trong quá trình trồng trọt, vận chuyển và chế biến cà phê của người dân Tây Nguyên được trưng bày trên chiếc k'pan (tấm ván gỗ dày và rất dài xẻ từ thân cây cổ thụ, là biểu tượng cho sự sung túc của những gia đình Ê Đê giàu có). Được ngồi giữa “làng” tận hưởng trọn hương vị ly cà phê nguyên chất giữa đại ngàn là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn.
Một trong những ngôi nhà trang trí truyền thống trong không gian Làng cà phê Trung Nguyên
Cách Làng cà phê Trung Nguyên không xa, Bảo tàng Thế giới cà phê nằm trong khuôn viên dự án thành phố cà phê Buôn Ma Thuột, rộng 45ha, tái hiện lại cả quá trình trồng trọt, chăm sóc cho đến chế biến cà phê. Đây cũng là điểm nhấn tổng thể trong quy hoạch thành phố cà phê nói riêng và Buôn Ma Thuột nói chung, với khát vọng “biến” địa phương thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Bảo tàng xây dựng trên ý tưởng kiến trúc nhà dài và sóng âm từ tiếng chuông ngân, được cách điệu thành những đường cong đa hình giao thoa với nhau. 5 tòa nhà tượng trưng cho 5 ngón tay của con người, đồng thời tượng trưng cho ngũ hành, bên trong trưng bày 3 nền văn minh cà phê trên toàn thế giới cùng hiện vật lao động sản xuất của đồng bào Tây Nguyên.
Khám phá bảo tàng, du khách sẽ thấy được lịch sử thế giới cà phê qua quá trình phát triển và trở thành ngành công nghiệp của tỉnh Đăk Lăk nói riêng, nước Việt Nam nói chung. Bảo tàng hiện có hơn 10.000 hiện vật liên quan đến cà phê được lưu giữ qua nhiều thời kỳ lịch sử sưu tầm khắp nơi trên thế giới, như: Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… và Việt Nam. Hiện vật trưng bày không đóng khung trong các cửa kính mà được sắp xếp xen kẽ với vật dụng quen thuộc của người bản địa theo hướng tương tác, bố trí dọc các lối đi, tạo sự gần gũi.
Ngoài các bộ sưu tập nổi tiếng về cà phê, nơi đây còn trưng bày nhiều vật dụng, công cụ sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam từ thời kỳ sơ khai đến tận ngày nay. Bảo tàng còn có không gian thư viện ánh sáng, không gian thiền với cà phê, không gian cà phê sách sáng tạo, không gian thưởng lãm cà phê…
Xung quanh bảo tàng trồng rất nhiều cây xanh, đặc biệt là các giống cà phê đặc sản. Thưởng thức ly cà phê thơm ngon đúng điệu, du khách sẽ hiểu hơn những câu chuyện đằng sau những dòng sản phẩm, từng chặng đường từ năm 1996 Trung Nguyên phát triển thương hiệu và vươn lên tầm cỡ quốc gia.
Các giống cà phê đặc sản được trồng trong Bảo tàng Thế giới cà phê
Hoài cổ, hùng vĩ, bình yên… là cảm nhận khi bước lần lượt từ không gian này sang không gian khác thuộc 2 công trình giữa lòng phố núi. Khám phá, trải nghiệm và cảm nhận để thấy “mạch” phát triển của cà phê xứ đại ngàn luôn song hành với dòng chảy văn hóa, không chỉ mang đậm bản sắc địa phương mà đã “đóng gói” vào thương hiệu cà phê, lan tỏa đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
MỸ HẠNH