Thắm tình quân - dân trong đại dịch

28/06/2021 - 04:05

 - Sự đoàn kết, tương trợ giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, được thực tiễn chứng minh qua nhiều giai đoạn khó khăn trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Truyền thống ấy một lần nữa được khơi gợi mạnh mẽ giữa đại dịch COVID-19. Người góp công, người góp sức cùng nhau hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Gần 1 tháng nay, người dân huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ) đã quen thuộc với hình ảnh các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt giữa địa phận giáp ranh 2 địa phương này. Người dân qua lại 2 huyện phải dừng lại tại chốt để đo thân nhiệt, khai báo y tế. Ban đầu một số người chưa quen, cảm thấy bất tiện nhưng dần nhận ra, đó là một việc làm rất tốt, góp phần giúp các địa phương quản lý người qua lại, nắm được thông tin, hành trình của người dân nếu không may xuất hiện ca nhiễm dịch bệnh và lây lan trong cộng đồng.

Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch tại cầu ranh kênh F, địa bàn giáp ranh giữa thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), chúng tôi mới thấy hết sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ công an, thanh niên tình nguyện, phụ nữ túc trực cả ngày lẫn đêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó càng cảm nhận sâu sắc hơn nghĩa tình quân - dân, sự gắn bó, đoàn kết, hỗ trợ nhau từ vật chất đến tinh thần của người dân và chiến sĩ để cùng nhau vượt qua đại dịch.

“Từ ngày thành lập chốt kiểm soát gần nhà tôi, các anh em thiếu gì tôi giúp nấy, từ chiếc bàn, ghế đến điện, nước, chén, dĩa, thức ăn, nước uống hàng ngày. Anh em, con cháu cán bộ đã thay phiên theo ca làm việc cả ngày lẫn đêm là rất vất vả và thiếu thốn, tôi huy động cả gia đình góp chút công, chút của thì có xá gì” - bác Nguyễn Văn Sảnh (thường gọi là Hai Sảnh) chia sẻ.

Các đoàn đến thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: THANH TIẾN

Trước mỗi ca trực, bác Hai Sảnh thường hỏi thăm các anh em về khoản cơm nước thế nào, đặt phần cơm ở đâu chưa, hay có tổ phụ nữ, đơn vị nào hỗ trợ, nếu chưa thì sẽ phân công cô con dâu (chị Nguyễn Thị Ngọc Dư) đảm nhận phần đi chợ và nấu những món ăn ngon để đãi mấy anh em. Những món ăn dân dã, như: bánh canh, cháo gà, bún, mì, lẩu, các loại bánh, khoai, bắp… được thay đổi thường xuyên để bữa ăn thêm ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng. Bác Hai Sảnh đã 72 tuổi vẫn rất nhanh nhẹn, luôn phụ giúp các công việc lặt vặt tại chốt và thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần các chiến sĩ làm việc, ai chứng kiến đều rất cảm phục và quý mến.

“Ngày trước, tôi làm cán bộ Hội Nông dân ở xã, nay về hưu nên tôi hiểu cái tình của bà con dành cho cán bộ địa phương, tuy không có nhiều của cải vật chất nhưng giúp nhau bằng cả tấm lòng. Mấy ngày qua, những gia đình lân cận thấy tôi chăm lo cho mấy anh em cũng đã chung tay góp sức. Bà con cô bác đi ngang qua, có chút ít trái cây vườn, bắp, khoai, trái dừa, bánh mì ghé lại gửi tặng mấy anh em chiến sĩ” - bác Hai Sảnh chia sẻ.

Bữa ăn giản dị bác Hai Sảnh gửi tặng các cán bộ làm nhiệm vụ

Cảm động trước tấm chân tình của người dân, đại úy Lê Hiền Khởi (Công an thị trấn Núi Sập) bộc bạch: “Tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chốt chặn tại xã Nhơn Hội (huyện An Phú) xuyên suốt 30 ngày qua. Sau vài ngày nghỉ ngơi, tiếp tục nhận nhiệm vụ trực tại chốt phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Dù ở nơi đâu tôi đều cảm nhận sâu sắc sự thương yêu, giúp đỡ của người dân. Người dân thương các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm “căng mình” chống dịch mà san sẻ chút thực phẩm và những lời động viên chân tình. Cán bộ, chiến sĩ gần dân, thân dân, quý dân càng ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ để mang lại cuộc sống an toàn, bình yên cho nhân dân”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập Phạm Quốc Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện, UBND thị trấn Núi Sập đã thành lập 3 tổ kiểm soát dịch bệnh tại địa bàn giáp ranh với TP. Cần Thơ tại tuyến kênh D, E, F từ ngày 30-5-2021 đến nay. Do lượng người dân làm ăn, qua lại 2 địa phương thường xuyên và khá đông nên các cán bộ, chiến sĩ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, thay phiên nhau túc trực để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất. “Đa số các anh em đều rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ trực tại chốt, vừa đảm bảo tốt công việc tại cơ quan, đơn vị. Đôi lúc cũng mệt mỏi, vất vả nhưng với sự quan tâm từ lãnh đạo và sự chăm lo, góp sức, động viên tinh thần từ bà con xung quanh nên các anh em đều vượt qua khó khăn” - ông Việt nhấn mạnh.

“Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, vai trò của các chốt kiểm soát dịch càng quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào các cửa ngõ của An Giang, nhất là người dân trở về từ các vùng dịch, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ca dịch bệnh lây lan trong cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập Phạm Quốc Việt nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÚC PHA