Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt: Cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước.
Đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học. Cũng tại đây, vào dịp Tết Nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến “xin chữ” đầu Xuân của các ông đồ...
Khách tham quan Khuê Văn Các
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai, đời Lý Thánh Tông. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử. Vào tham quan khu nội tự, khách được bước vào khu Nhập đạo, nghĩa là nhập vào đạo Nho, sửa soạn mình sẵn sàng trên con đường đến với cửa Khổng sân Trình, là học tập lễ nghi, đạo đức trước rồi mới học kiến thức. Rồi đến cửa Đại Trung, khách được chiêm ngưỡng Khuê Văn Các, công trình được xây dựng năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn, với kiến trúc 2 tầng 8 mái, tầng dưới là 4 trụ gạch, bốn bề trống không. Phía trên treo một tấm biển sơn son thiếp vàng đề 3 chữ Hán, được dịch là “Khuê Văn Các”. Khuê là tên một ngôi sao sáng nhất trong chòm 28 sao trên dải ngân hà, sao Khuê là sao chủ về văn chương, nên có thể hiểu đây là ngôi sao của vị thần phụ trách văn chương, văn học. Chính vì sự tinh tế và ý nghĩa như vậy nên ngày nay, Khuê Văn Các được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội, với mong muốn vẻ đẹp của văn chương sẽ mãi tỏa sáng như sao Khuê giữa bầu trời.
Khu tiếp theo của cụm di tích là khu nhà bia tiến sĩ, chính giữa là giếng Thiên Quang. Theo quan niệm người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, các cửa sổ của gác Khuê Văn hình tròn tượng trưng cho bầu trời, ý nói nơi đây tập trung mọi tinh hoa của trời đất, đề cao trung tâm giáo dục Nho học Việt Nam. Đối diện 2 bên của giếng Thiên Quang là 82 bia tiến sĩ. Đây là bia lưu danh họ tên, quê quán của hơn 1.300 vị tiến sĩ của 82 khoa thi (81 khoa triều Lê, 1 khoa triều Mạc) từ năm 1442-1779. Hệ thống bia tiến sĩ này là những pho sử liệu bằng đá vô cùng độc đáo và quý hiếm, cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa khác.
Học sinh tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm với bia tiến sĩ
Lần bước vào trong, du khách đặt chân đến điện Đại Thành. Điện gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chắn song cố định. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử mặt nhìn về hướng Nam, theo quan niệm “Thánh nhân Nam diện nhi trị”, tức là thánh nhân quay về hướng Nam để cai trị. Nằm sau khu Văn Miếu là Quốc Tử Giám. Toàn bộ khu vực này trải rộng trên 1.530m2, gồm nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống 2 bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Xưa kia, các nho sinh muốn được vào trường Quốc Tử Giám học phải là những người đỗ cử nhân kỳ thi Hương, qua một kỳ kiểm tra ở bộ Lễ, nếu đạt thành tích tốt mới được nhận vào học để chuẩn bị thi Hội. Trên tầng 2 là nơi đặt tượng thờ 3 vị vua (Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông), những vị vua có công xây dựng và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của thủ đô Hà Nội. Từ năm 1962, di tích đã được xếp hạng quốc gia và nay là Di tích quốc gia đặc biệt. 82 bia tiến sĩ được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) vinh danh là Di sản tư liệu thế giới. Năm 1988, TP. Hà Nội đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giao nhiệm vụ quản lý di tích trực tiếp và toàn diện. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc chính trong di tích đã được tu bổ, phục dựng để phục vụ nhu cầu bảo tồn, khai thác du lịch của thủ đô và cả nước.
NGỌC GIANG