Thăm vườn trầu Long Hòa

17/09/2020 - 21:16

 - So 5 năm trước, hiện nay số hộ trồng trầu ở xã Long Hòa (Phú Tân, An Giang) đã giảm hơn 30% vì nhiều lý do. Thời điểm này trầu thu hoạch gặp khó đầu ra bởi dịch bệnh COVID-19 khiến người dân có phần hụt hẫng. “Buồn chút đỉnh chứ không bi quan!”, ai cũng nói vậy. Những vườn trầu vẫn xanh mướt một màu hy vọng như niềm tin của người nông dân, rằng thời khắc khó khăn sẽ nhanh chóng trôi qua, như rất nhiều giai đoạn thăng trầm mà ông bà họ gắn bó cả đời với dây trầu.

Mùa nào ở xóm trầu Long Hòa cũng xôm tụ, bởi chừng 15-20 ngày là các vườn trầu thu hoạch lá. Mỗi nhà sẽ thuê ít nhất 7 lao động cho các công đoạn liền tay để kịp giao cho thương lái đến vận chuyển. Những lá trầu tươi xanh còn thơm nồng vừa hái xong được gom về một góc trước nhà, ưu tiên cho lao động nữ để liễn trầu. Tuy thu nhập với nghề trầu không cao so các công việc khác nhưng nhờ ngắn ngày, lại có thể làm nhiều hộ nên lao động có “đồng ra, đồng vào” liên tục. Đó là lý do cả chủ vườn lẫn người làm công chấp nhận gắn bó với mô hình kinh tế truyền thống của địa phương.

Mùa này được xem là mùa “thuận” của trầu, vì mưa nhiều dây trầu phát triển rất khỏe, lá đẹp, thu hoạch không xuể. Tuy nhiên, thương lái vận chuyển không kịp nên giá thành thấp hơn vụ cuối năm. Ở vườn trầu của chị Lê Kim Tuyến (ngụ ấp Long Hòa 1) có khoảng 600 nọc. Mỗi đợt thu hoạch, ngoài người hái, gia đình phải thuê thêm người lượm, liễn, ốp liên tục nửa tháng mới xong.

Chị Tuyến cho biết, đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu năm khiến trầu rớt giá, đầu ra “chững” lại, sau khi bình ổn thời gian ngắn, nông dân chưa vui được bao lâu thì “đón” đợt dịch bệnh nối tiếp. “Hầu hết thị trường tiêu thụ trầu tại Campuchia, nên trong thời gian hạn chế qua biên giới gây khó khăn cho thương lái, giá trầu rớt mạnh, chủ yếu bán các chợ nội địa” - chị Tuyến giải thích.

Trong những gia đình có nhiều thế hệ trồng trầu ở Long Hòa, lớp người già thường nhắc “trầu bán ra ít khi bị rớt giá, nói chung nghề này khỏe, sống bền” để động viên con cháu giữ nghề. Lúc bình thường, 1 muôn trầu bán được 2,1-2,2 triệu đồng, nay chỉ còn giá 1,2 triệu đồng, có lúc xuống 800.000 đồng. Trừ chi phí cho công lao động, ăn uống, gia đình còn lời 100.000-200.000 đồng/muôn, có khi huề vốn hoặc lỗ.

Đồng thời, lúc này thu nhập nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng thương lái mua hàng ngày. Rất nhiều lao động đang “bám” vào nghề trầu để có thu nhập thường xuyên, dù hiện nay có giảm hơn lúc bình thường, mọi người đều duy trì nhịp sản xuất như thường lệ.

Anh Điền (một người thợ hái trầu) cho biết, hiện nay, 1 ngày anh có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng, công việc luân phiên ở vườn này sang vườn khác nên thu nhập khá ổn, không phải đi xa kiếm việc làm.

Còn bà Huỳnh Thị Kiểm (ấp Long Hòa 2) làm công đoạn ốp lá trầu đã 40 năm nay. Theo hướng dẫn của bà, lá trầu được người liễn tuyển lựa xếp thành chục, người ốp sẽ ghép từng chục lại với nhau liên tiếp 6 lần thành “nửa trăm”, khối vuông và các lá nằm đều tăm tắp. Dù tuổi cao nhưng mỗi ngày bà Kiểm ốp được 7-8 thiên, kiếm khoảng 100.000 đồng. Các công đoạn khác cũng vậy, đã “quen tay quen mắt” theo kinh nghiệm, mỗi việc đều có một số người đảm nhận, không ai có thể làm thay ai.

Người dân trồng trầu ở xã Long Hòa kể về nghề truyền thống của quê mình với niềm tự hào. Suốt mấy chục năm qua trầu nuôi cả nhà họ ấm no, các con cháu đi học. Ngày Tết, ngày vui của các gia đình, trầu vẫn hiện hữu là nét văn hóa trong đời sống người dân. Hiện nay không còn mấy ai nối nghề, vì thế hệ sau chủ yếu chọn các công việc phù hợp với trình độ, sở trường, đi xa làm ăn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền cho biết, toàn xã hiện còn khoảng 30 hộ trồng trầu với tổng diện tích 3,5ha. Sau thời gian dài canh tác, trầu giảm diện tích do giống bị thoái hóa, nhiễm bệnh kháng thư, thối rễ. Những bệnh này khó tránh khỏi do người dân nhân giống mới bằng cách chiết cành non. Mặt khác, các hộ trồng trầu thường lập vườn cạnh nhà, đất trồng nay nhường lại cất nhà cho con cháu khá nhiều. Không ai nhớ rõ nghề trồng trầu có ở Long Hòa từ khi nào, nhưng trầu là cây trồng truyền thống lâu đời được địa phương xác định phải gìn giữ.

Theo ông Hiền, khó khăn hiện nay ở người trồng trầu do đầu ra hạn chế dẫn đến rớt giá chỉ là cái khó nhất thời. Địa phương vẫn chủ trương vận động người dân chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng trầu, bên cạnh các cây trồng khác, bởi đây là “cây kinh tế” truyền thống lâu đời của xã anh hùng. Những hộ tham gia chuyển dịch từ đất vườn tạp, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang cây trồng mới sẽ được hỗ trợ khó khăn về vốn từ nguồn ngân hàng chính sách. Các hộ đang tập trung sản xuất để chờ tín hiệu tốt hơn, nhất là những tháng cuối năm vì trầu bán được giá khá cao.

MỸ HẠNH