Thân thương chợ quê

24/05/2024 - 06:50

Chiềc đò nhỏ xuất phát từ khu vực tượng đài sự kiện tập kết 1954 ( TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đưa du khách vượt sông Tiền đến cù lao Tân Thuận Đông để trở về với tuổi thơ. Nơi đây, có một chợ quê thu hút đông đảo du khách gần xa…

Khơi dậy nhịp sống

Cù lao Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh) nằm tách biệt giữa sông Tiền nên việc đi lại, giao thương khá khó khăn. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm vườn và trồng nông sản, cuộc sống thôn quê yên bình, hiền hòa, cách xa phố chợ…

Cho đến đầu năm 2022, chợ quê Tân Thuận Đông được khởi xướng, với mong muốn quảng bá hình ảnh của địa phương, phát triển du lịch và tăng thu nhập cho bà con. Chợ được tổ chức từ 14 - 20 giờ vào ngày thứ 7 hàng tuần, luôn có đò, tàu du lịch sẵn sàng đưa đón khách đi và về. Ban đầu, chỉ hơn 20 hộ dân tham gia bán nông sản và bánh dân gian Nam Bộ. Còn hiện nay, chợ quê này có khoảng 70 - 80 hộ tham gia, góp phần khơi dậy nhịp sống làng quê…

Mỗi phiên chợ thu hút cả ngàn người đến tham quan, mua sắm; dịp lễ, Tết còn đông vui, tấp nập hơn. Khách tìm đến chợ có người cao tuổi, Việt kiều các nước muốn tìm về không gian xưa; có du khách, học sinh, sinh viên muốn khám phá ẩm thực; có khách Tây đến trải nghiệm cuộc sống và sông nước miền Tây…

Du khách vừa bước xuống cầu tàu là cả một không gian làng quê chào đón,  từ cổng chào, mấy chục quầy hàng, bàn ghế ăn uống… đến khu vực sinh hoạt đờn ca tài tử trên sông đều bằng tranh tre nứa lá. Nhiều tiểu cảnh được tái hiện một cách mộc mạc đã thu hút khách từ cái nhìn đầu tiên. Không chỉ đến chợ quê, không ít người còn làm một tour vòng quanh cù lao để tham quan, giao lưu với người dân xứ cồn.

Bà Tám (người dân xứ cồn Tân Thuận Đông) cho biết: "Từ ngày có chợ quê, cuộc sống ở cù lao vui hơn, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn và bà con cũng tăng thu nhập nhờ làm dịch vụ từ mỗi phiên chợ. Dù năm nay đã 70 tuổi nhưng mỗi phiên chợ quê, bà đều tham gia một gian hàng trái cây từ vườn nhà, vừa có chút thu nhập, vừa có dịp giao lưu với du khách.

Phong phú nông sản, bánh miệt vườn

Nét độc đáo ở chợ quê Tân Thuận Đông là nông sản cây nhà lá vườn, từng rổ ổi, thúng mận, xề vú sữa, xoài cát Hòa Lộc... trưng bày đơn sơ nhưng mới nhìn qua đã thấy thích. Chúng được các bà, các cô tuyển chọn từ vườn nhà mang ra bán nên tươi xanh, nõn nà… Cô Út (quầy hàng Ngọc Điệp) cho biết, hơn 20 loại sản phẩm là do chính nhà cô trồng, chế biến, rồi đem ra chợ quê bán, nào là khổ qua, ổi, sen, bông so đũa, mứt chùm ruột, lạp xưởng và khô đồng các loại…

Nhiều người trầm trồ trước sự vun vén khéo léo của người phụ nữ này và còn khâm phục hơn khi biết, cô Út là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với 16 công vườn. Những quầy hàng kế tiếp cũng rất đặc sắc, mận Hòa An có màu trắng màu hồng chỉ có ở xứ cồn cùng với xề vú sữa Hoàng Kim vàng óng ánh nên du khách chen vào mua mang về làm quà… Ốc đồng, dưa gang, rau tập tàng xanh non một góc chợ, nhà có gì thì mang ra bán. Người bán thiệt thà, cởi mở; người mua tò mò, thích thú...

Chợ quê Tân Thuận Đông nhộn nhịp hơn cả là khu vực ẩm thực của các bà, các chị. Đẹp mắt là quầy bánh đậu xanh 20 loại, được tạo hình rau củ quả: Cà chua, xoài, ớt, vú sữa, bắp, cà tím, măng cụt… Chiếc bánh đầy màu sắc và xinh xinh nên ai đi qua cũng dừng lại xem, chốc lát đã hết trong sự tiếc nuối của nhiều người… Bánh mãng cầu, bánh quýt, bánh bí, lá mít, lá mơ… tưởng như đã mai một, nay đã hồi sinh trong phiên chợ này.

Bánh da lợn, bánh chuối, bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn, bún riêu, cháo vịt... cũng góp mặt. Có cả thùng kem ống nhân đậu được ông Thanh Hùng (60 tuổi) làm và đem ra bán tại chợ quê này. Ông Hùng tâm sự: “Kem này chỉ còn trong ký ức của nhiều người nên tôi làm, được nhiều người ghé thưởng thức. Sẵn dịp, tôi tham gia vài tiết mục đờn ca tài tử, góp vui cùng chợ quê”.

Bên cạnh các loại bánh dân gian, chợ quê còn có các quầy nướng thơm lừng, như: Ốc, chuột đồng, tôm, cá… mà giá cả cũng rất phải chăng, từ 10.000 - 30.000 đồng/phần thức ăn, cao nhất 150.000 đồng/dĩa tôm nướng cháy vỏ. Đến chợ quê, du khách bỏ túi khoảng 100.000 đồng đã có thể no bụng thưởng thức các đặc sản Nam Bộ.

Chợ, không chỉ là nơi mua bán, mà còn là tuổi thơ, là miền thương nhớ trong tâm tưởng... Đó là lý do chợ quê níu chân du khách, chị Như Lan (đến từ TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Tôi đã 3 lần đến chợ quê Tân Thuận Đông, lần nào có dịp về miền Tây là ghé cùng anh em, bạn bè. Chúng tôi thấy thân quen và thoải mái khi có dịp du ngoạn nơi đây”. 

NGỌC AN