Thân thương đặc sản quê hương

01/02/2025 - 07:36

 - Mùa Xuân, vạn vật như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Và ở những làng nghề, nghề truyền thống, không khí cũng trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn bao giờ hết.

Cô Tuyết Dung tự hào khô cá lóc mình làm ra được khách hàng khắp nơi tin dùng

Trứ danh bánh tráng Mỹ Khánh

Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí, bánh kẹo... tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu này, các làng nghề phải tăng cường sản xuất. Xã vùng ven Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), bầu không khí nhộn nhịp của làng nghề bánh tráng “khởi động” vào những ngày tháng Chạp khiến lòng người cũng nôn nao, háo hức mong Tết.

Từ TP. Long Xuyên, chạy về hướng xã Mỹ Khánh, qua cầu Câu Quảng, không cần hỏi làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh ở đâu, chỉ cần thấy những mẻ bánh tráng được phơi thẳng tắp, là mọi người nhận ra mình đã đến nơi. Nơi đây, lâu đời nhất là bánh tráng mặn - loại dùng để cuốn gỏi, cuốn với bì hay tôm, thịt hoặc làm chả giò chiên… Sau này, người làng nghề sáng tạo ra thêm bánh tráng ngọt. Vẫn từ bột gạo xay mịn nhưng bổ sung thêm nước cốt dừa béo ngậy và rắc đầy mè vàng đã rang chín, làm cho chiếc bánh dẻo, thơm ngon. Những ngày giáp Tết, bánh tráng từ làng nghề Mỹ Khánh tiêu thụ mạnh, gấp đôi có khi gấp ba lần so với ngày thường.

“Nhiều gia đình đã có thâm niên làm bánh tráng từ 2 đến 3 đời, thân thuộc với từng bếp lửa, sân phơi. Chúng tôi thường nói với nhau, nếu không tiếp tục làm bánh, sẽ không thể nào chịu đựng được nỗi nhớ nghề da diết. Về làm dâu hơn 20 năm xứ Mỹ Khánh này, tôi được truyền nghề từ mẹ chồng và nối nghiệp hơn 13 năm. Gia đình tôi là một trong số những gia đình theo nghề tận 3 đời. Trước đây, làng nghề rất đông vui, nhộn nhịp. Những năm trở lại đây, chịu sự cạnh tranh của nhiều loại bánh tránh công nghiệp trên thị trường, bánh tráng truyền thống được làm hoàn toàn bằng thủ công của làng nghề Mỹ Khánh gặp không ít khó khăn” - chị Nguyễn Thị Dựa (37 tuổi, ngụ ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh) vừa tráng từng chiếc bánh vừa tâm sự. 

Những gia đình còn trụ với nghề này cũng bởi tình yêu nghề và muốn giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Nếu nói là làm giàu thì không chắc, nhưng nghề làm bánh tráng Mỹ Khánh đã mang đến cuộc sống ổn định, giúp nhiều phụ nữ vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Mỗi ngày, các hộ dân ở đây có thể làm ra vài trăm đến khoảng 1.000 bánh tráng mặn, giao tiểu thương các chợ.

Với bánh tráng ngọt, thời điểm hút hàng nhất là dịp Tết. Khách mua để làm quà biếu, tặng hoặc mời khách thưởng thức khi đến chơi nhà. “Bánh ngọt đường thốt nốt, bánh ngọt gừng… rất hút hàng vào những ngày Tết. Bột gạo được pha thêm đường, nước cốt dừa và mè rang, tạo nên vị ngọt thanh, béo ngậy. Tuy giá thành cao và thời hạn sử dụng ngắn, bánh tráng ngọt vẫn được ưa chuộng, vì là món ăn vặt khoái khẩu mùa Tết” - chị Dựa chia sẻ. 

Mỗi chiếc bánh tráng đều là kết tinh giữa đôi bàn tay khéo léo, tấm lòng yêu nghề và bí quyết gia truyền. Theo những người lớn tuổi, làng nghề làm bánh tráng Mỹ Khánh đã hình thành trên 50 năm và được nhiều người biết đến khi UBND tỉnh công nhận “Làng nghề” từ năm 2007. Dù thị trường có vô vàn loại bánh tráng khác nhau nhưng bánh tráng từ làng nghề Mỹ Khánh vẫn có vị trí nhất định trong lòng thực khách. Bởi, giá trị truyền thống và tình yêu nghề được tỏa hương trong từng chiếc bánh.

Tuy không còn đông đúc như những ngày đầu mới thành lập, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh vẫn là một “tài nguyên” du lịch, thu hút nhiều người đến tham quan và khám phá, giúp hoạt động du lịch của địa phương thêm phần đa dạng, mới mẻ và hấp dẫn.

Khô cá lóc Thoại Sơn

Trong hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam vừa qua, 4 món ngon của An Giang được công nhận “tốp 100” đặc sản Việt Nam do Hội kỷ lục gia bình chọn. Trong đó, gà đốt lá chúc và gỏi sầu đâu khô cá lóc lọt vào “tốp 100” món ăn đặc sản Việt Nam; khô cá lóc Thoại Sơn và khô cá tra phồng Châu Đốc lọt vào “tốp 100” đặc sản quà tặng Việt Nam theo Bộ tiêu chí tốp món ăn, đặc sản Việt Nam.

Khô cá lóc Thoại Sơn có hương vị tự nhiên hơn nhiều nơi nên được khách ưa chuộng làm quà biếu và dùng trong các bữa tiệc. Chúng tôi ghé Cơ sở sản xuất khô cá lóc 7 Chóp (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) những ngày giáp Tết, việc sản xuất, mua bán khô khiến ai cũng tất bật. Dù công việc cuối năm rất bận nhưng cô Ngô Thị Tuyết Dung (chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc 7 Chóp) vẫn nhiệt tình tiếp đón chúng tôi. Theo đó, cơ sở đang tập trung hết công suất để sản xuất khô cá lóc nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Cô Dung cho biết: “Để đảm bảo chất lượng từng con khô, tôi chỉ thuê nhân công đánh vảy cá lóc. Còn lại, từ cắt kỳ, rửa cá, xẻ cá, tẩm ướp gia vị… đều do tôi trực tiếp làm. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao của địa phương nên tôi phải chăm chút từng công đoạn để đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng”. Không giấu nghề, cô Dung chia sẻ thêm, bắt đầu quy trình chế biến là đánh vảy cá, rửa sạch, rồi chuyển sang mổ cá. Đây là công đoạn rất quan trọng, vì nếu xẻ cá không đúng cách sẽ làm thịt cá bị hư, hình dáng xấu. Cá được rửa lại bằng nước sạch, rồi ướp gia vị: Đường, muối, bột ngọt, ớt (nếu khách yêu cầu)… Khi ướp đủ thời gian, đến công đoạn cuối cùng là phơi cá.

“Mỗi ngày, cơ sở 7 Chóp làm khoảng 100kg cá tươi. Những ngày gần Tết, có thể tăng số lượng gấp đôi. Trung bình, 5kg cá tươi mới chế biến thành 1kg khô. Nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương (xã Thoại Giang) nên rất ổn định. Gắn bó với nghề làm khô cá lóc khoảng 40 năm, tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Với giá bán 250.000 đồng/kg khô cá lóc, dịp Tết, tôi vẫn không tăng, vì mình lấy công làm lời” - cô Dung bày tỏ.

Không chỉ bán cho khách hàng tại địa phương, nhiều khách ở các tỉnh lân cận, TP. Hồ Chí Minh trở thành “mối” quen khi mua sản phẩm của cơ sở dùng thử. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mỗi ngày khi phơi xong, tất cả khô đều phải được cô Dung bảo quản trong tủ đông với nhiệt độ thích hợp. Theo đó, khô cá lóc 1 nắng có thể lên đến 7 - 8 con/kg. Khách ở xa, sẽ chuộng loại khô 2 - 3 nắng để bảo quản được lâu hơn.

PHƯƠNG LAN