Chợ phiên vùng cao "Sắc màu xứ Tuyên" thu hút đông đảo du khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh tư liệu: Tuấn Đức/TTXVN
Các hoạt động góp phần tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc; quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, các sự kiện cũng góp phần đa dạng, phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong đó từ ngày 14 - 19/4 sẽ diễn ra các hoạt động nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023”. Còn từ ngày 29/4 đến ngày 3/5 sẽ là các sự kiện dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và dịp lễ với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất”.
Trong dịp này, Ban Tổ chức sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc, với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lào Cai”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... Du khách được đi chợ, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian. Đặc biệt, 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông (Lào Cai) sẽ múa khèn bên chảo thắng cố và các hoạt động điểm nhấn xuống chợ, vui chợ phiên.
Tiếp đó là chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc. Tại đây sẽ có biểu diễn dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc, mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền; các trò chơi dân gian...
Đồng bào dân tộc Mông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trình diễn giã bánh dày; giới thiệu nghệ thuật khèn Mông (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018). Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo, thể hiện sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng.
Đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai, sẽ mang đến cho công chúng Lễ hội chơi núi (Say Sán). Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra quanh cây nêu, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người, mọi gia đình đều khỏe mạnh, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng. Phần hội gồm các tiết mục văn nghệ như múa sinh tiền, múa khèn, hát giao duyên, trò chơi truyền thống...
Đồng bào dân tộc Nùng đến từ tỉnh Lào Cai sẽ tái hiện Tết mừng chiến thắng. Tết là dịp đồng bào dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối (quả chuối, hoa chuối, lõi chuối), xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc. Mỗi màu xôi mang một sắc thái của cuộc kháng chiến năm xưa. Chẳng hạn, xanh lá chuối là màu của mùa xuân; đỏ thẫm là màu máu của những người đã anh dũng hy sinh, vàng là biểu tượng cho sự đau thương ly tán, đỏ tươi tượng trưng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng...
“Lễ Hạn khuống” là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái (tỉnh Sơn La) cũng sẽ diễn ra trong tháng 4/2023 tại Làng. Lễ này có từ rất lâu đời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm. Trong đó, Hạn khuống là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Thái, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “khuống” là sân, đất trong bản. Hạn khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời...
Cũng trong tháng 4/2023, nhiều địa phương giới thiệu không gian văn hóa, du lịch địa phương tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tỉnh Thái Nguyên quảng bá văn hóa dân tộc đặc sắc với phần tái hiện nghi thức cúng Then của dân tộc Tày; tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn…
Đồng bào dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông tái hiện lễ cưới truyền thống - hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của cư dân cao nguyên. Bên cạnh đó, đồng bào giới thiệu các món ăn truyền thống; trình diễn giao lưu dân ca dân vũ “Sắc màu Đắk Nông”; giới thiệu nghề thủ công truyền thống, cồng chiêng.
Vào dịp cuối tuần, đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên - Huế tái hiện nghi thức dựng cây nêu. Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Cây nêu là nơi buộc trâu hiến tế mỗi khi tổ chức các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng… Cây nêu thường được trang trí khá cầu kỳ, nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của người Cơ Tu.
Công chúng cũng sẽ được thưởng thức chương trình giao lưu “Tình ca Tây Nguyên” với phần biểu diễn các loại hình diễn xướng, nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Tà Ôi, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê...; giới thiệu không gian điểm nhấn mang sắc màu văn hóa Tây Nguyên như chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng...
Theo TTXVN