Tháng 7 dành cho những anh hùng

07/07/2023 - 07:13

 - Nhắc đến tháng 7 là nhắc đến những mất mát, hy sinh của thương binh, liệt sĩ, để màu cờ độc lập của Tổ quốc thêm tươi thắm. Bác Hồ từng nói: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.

Ngày 27/7/1947, Ngày thương binh toàn quốc mở đầu bằng cuộc mít-tinh quan trọng tại tỉnh Thái Nguyên, khoảng 2.000 người tham gia, đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập.

Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.

Sau thắng lợi to lớn nhưng cũng không ít thương vong ở chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ. Từ năm 1955, ngày 27/7 được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong Di chúc, trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng có nơi ăn, chốn ở yên ổn; đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người có thể dần dần tự lực cánh sinh…

76 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng luôn được Đảng, nhà nước và nhân dân thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Đến nay, đã xác nhận hơn 9,2 triệu người có công, trong đó 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, gần 800.000 thương - bệnh binh; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…

Cuộc sống của thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động nguồn lực, chung sức một lòng "đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn”, tạo thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, thay vì thể hiện lòng biết ơn, tri ân, những thế lực phản động, lưu vong ở nước ngoài (thậm chí, có kẻ đang hưởng thụ cuộc sống hòa bình ngay trên đất nước ta) lại “ăn cháo, đá bát”, quay lưng, phủ nhận sự hy sinh của các thế hệ cha anh; xuyên tạc chính sách người có công của Đảng và nhà nước.

Chúng lợi dụng những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở một số địa phương để đưa thông tin, hình ảnh… trên mạng xã hội một cách rầm rộ, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi trong nhân dân về chính sách ưu đãi đối với người có công, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, trên không gian mạng đã xuất hiện những bài viết, video - clip và một số tác phẩm xuyên tạc chính sách thương binh - liệt sĩ; phủ nhận sự hy sinh, đóng góp của người có công với nước.

Chúng trắng trợn cho rằng: Đất nước được giải phóng là của cả dân tộc, chứ không phải của riêng các anh hùng liệt sĩ, nên không cần quan tâm quá nhiều đến đối tượng này; kinh tế đất nước chậm phát triển là do gánh nặng của các chính sách xã hội, trong đó, có thực hiện chính sách hậu phương, quân đội hay những chính sách thương binh, liệt sĩ. Nguy hiểm hơn, chúng tìm cách đánh đồng với những người hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ cam tâm cho thực dân, đế quốc bằng những luận điệu hết sức xảo trá, nhằm hướng lái dư luận đi theo ý đồ đen tối của chúng...

Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, biết bao con người đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mất mát vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoai. Thương binh, bệnh binh vẫn ngày ngày chống chọi với vết tích chiến tranh trên thân thể. Thân nhân vẫn còn đau đáu chờ mong tìm gặp hài cốt liệt sĩ, đem về an táng cho trọn nghĩa tình thân.

Trong tháng 7, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ dọc theo đất nước hình chữ S được thắp sáng ngọn nến tri ân, nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng, hun đúc trách nhiệm, tình cảm của mỗi người dân hôm nay với anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Ngoài nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp người dân, thế hệ trẻ về lòng biết ơn; các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục có giải pháp, biện pháp chăm lo thiết thực hơn nữa cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực, tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động, lưu vong xuyên tạc, châm ngòi chia rẽ.

T.M