Khí hậu đặc trưng
Với độ cao hơn 700m so mực nước biển, núi Cấm có khí hậu đặc trưng so với nơi khác ở miền Tây. Trong những tháng mùa khô, du khách lên núi Cấm vẫn thấy dễ chịu với sự trong lành, mát mẻ của vùng cao. Sang mùa mưa, tiết trời dịu mát, người ta thấy núi rừng như trở mình với cái lạnh sắt se. Mưa đã lạnh, mưa trên núi Cấm càng thêm lạnh! Với người dưới xuôi, không đem áo khoác thì có thể co ro trước khí hậu nơi này trong những ngày mưa.
Mưa dứt, mùa gió bấc ùa về. Đó cũng là lúc người dân miền sơn dã cảm nhận đầy đủ khí hậu đặc trưng của ngọn núi quê hương. May mắn có những người bạn sống trên núi, tôi được kể về cái lạnh “hiếm có” của Thiên Cấm Sơn. Theo lời họ, nền nhiệt núi Cấm trong mùa gió bấc thấp hơn dưới xuôi 5 - 70C là chuyện thường. Du khách lên núi Cấm trong tháng gió bấc, nếu lưu trú qua đêm sẽ được chủ trọ đưa cho chiếc mền rất dày để chống chọi với cái lạnh vùng cao.
Du khách ấn tượng với cảnh đẹp trên Thiên Cấm Sơn vào sáng sớm
“Khi tôi mang mền dày cho mấy bạn dưới xuôi, họ cười như vẻ mình làm quá vấn đề. Đến khuya, người ta mới hiểu tác dụng của những chiếc mền như vậy. Hồi mới lên đây, mỗi buổi sáng mùa gió bấc, tôi rất ngại rửa mặt vì nước lạnh như băng. Ở riết rồi quen, chứ người dưới xuôi lên thì hơi khó chịu mấy ngày đầu. Như chỗ tôi ở thì còn đỡ, chứ lên đến nơi cao nhất của núi Cấm là đỉnh Bồ Hong còn lạnh nhiều hơn” - anh Tạ Thanh Phong (người dân ấp Thiên Tuế, xã An Hảo) cho hay.
Theo lời anh bạn này, mùa gió bấc ở núi Cấm ngày trước lạnh hơn hiện tại rất nhiều. Khoảng 10 năm trở lại đây, dù vẫn còn giữ được chất đặc trưng, nhưng không còn như trước. Đến tháng Chạp, cái lạnh vẫn còn rất rõ, khiến khách phương xa cứ xuýt xoa khi ngồi sau lưng xe “Honda đầu” lên núi vào sáng sớm.
Là người lên, xuống núi Cấm mỗi ngày, anh Dương Việt Anh (Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm) cũng thừa nhận cái lạnh đặc trưng của đỉnh non cao. “Hiện tại, buổi sáng tôi cảm thấy rất lạnh khi lên núi. Nền nhiệt có thể nằm ở mức 200C, có những thời điểm còn thấp hơn. Nhiều lúc lên núi săn ảnh, nhưng tôi phải “đánh bò cạp” vì quá lạnh. Được cái, mùa lạnh ở núi Cấm hoa cỏ tốt tươi, cảnh vật hài hòa nên mình săn ảnh rất thú vị” - Dương Việt Anh chia sẻ.
Khung cảnh tuyệt đẹp
Không chỉ mang cái lạnh đặc trưng, núi Cấm còn đẹp hơn trong thời điểm cuối năm, bởi sự lên ngôi của hoa cỏ và những làn khói sương mờ ảo. Có thể nói, đây là thời điểm cảnh vật trên núi trở mình sang thái cực khác biệt. Tại khu trung tâm hành hương vào buổi sáng, bạn sẽ rất khó bắt gặp được nụ cười từ bi của đức Di Lặc, bởi sương khói phủ khắp nơi nơi. Nhịp sống của người dân trên núi thời điểm đó dường như chậm lại và có chút bình yên. Họ thư thả ngồi nhìn ly cà phê nhỏ từng giọt, lắng nghe bước đi của thời gian vào sáng sớm.
Với những người mưu sinh, gánh hàng vẫn kĩu kịt thịt cá, nhu yếu phẩm len lỏi trong màn sương. Người bán, người mua trao đổi nhộn nhịp ở chợ Mây. Những người làm nghề vận chuyển hành khách vẫn tất bật lên, xuống núi. Họ vội vã như ngày thường, chỉ khác là có thêm chiếc áo ấm để nối dài cuộc mưu sinh.
Lúc ấy, du khách là những người có dịp được tận hưởng thiên nhiên nhiều nhất. Dưới làn sương mờ, họ rảo bước quanh hồ Thủy Liêm, ngắm nhìn những đồi sim tím rịm mùa hoa. Đó đây là sắc hồng, sắc xanh của những bông hoa cẩm tú cầu, sắc đỏ nồng nàn của mấy đóa đỗ quyên trong khuôn viên chùa Phật Lớn, càng làm cho người ta như chìm vào chốn hư không. Lúc ấy, đứng giữa đồng bằng nhưng có cảm giác đang ở một thành phố cao nguyên nào đó!
Là du khách đến từ TP. Cần Thơ, Nguyễn Ngọc Yến và nhóm bạn vô cùng thích thú khi đến núi Cấm trong những ngày đầu tháng Chạp. Nhóm của Ngọc Yến sắp xếp chuyến đi 3 ngày đến An Giang, thì đã có 2 ngày các bạn dành cho núi Cấm. Ngọc Yến cho biết: “Chúng tôi lưu lại đêm trên núi Cấm để tận hưởng khí hậu trong lành, để biết khí hậu đặc trưng của vùng cao. Buổi sáng tinh mơ trên núi Cấm rất đẹp, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh với nơi này. Thích nhất là hàng thông bên bờ hồ Thủy Liêm, nó khiến tôi cứ ngờ ngợ đến một góc nào đó của TP. Đà Lạt”.
Với những gì đã trải nghiệm, Ngọc Yến và các bạn dự định sẽ trở lại Thiên Cấm Sơn vào tháng Chạp năm sau, để được ngồi cùng nhau bên bếp lửa hồng giữa trời đêm se sắt, để được chiêm bái các đấng siêu nhiên, ngắm nhìn mấy cánh hoa sim đung đưa trong làn sương khói “mờ nhân ảnh”!
MINH QUÂN