Người nhiễm HIV tới cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc theo định kỳ.
Bệnh nhân L. (huyện Mộ Đức) đã điều trị bằng thuốc ARV hơn 10 năm. Nhờ tuân thủ đúng phác đồ, cơ thể đáp ứng tốt, sức khỏe chị L. ổn định và có thể lao động, sinh hoạt như người bình thường. Không còn tự ti, chị L. thường xuyên tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trở thành một đồng đẳng viên tích cực giúp nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ cải thiện sức khỏe, vượt qua số phận.
Chị L. cho biết, nghi ngờ nhiễm HIV nhưng lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, chị không dám đi xét nghiệm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chị biết rằng nếu không khám, phát hiện kịp thời để uống thuốc, bệnh sẽ ngày càng nặng. Dù đã đoán được trước, nhưng khi cầm kết quả trên tay, chị L. vẫn suy sụp. Được sự động viên, tư vấn, hướng dẫn của các y, bác sỹ, chị L. tiếp nhận điều trị và sức khỏe được cải thiện rõ rệt.
“Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã tuyên truyền, vận động những người nghi nhiễm HIV mạnh dạn đến cơ sở y tế để kịp thời khám, xét nghiệm. Người nhiễm bệnh nguy hiểm nhất là khi biết muộn, vì không chỉ nguy hại cho bản thân mà còn có hại cho những người xung quanh”, chị L. chia sẻ.
Xác định công tác thông tin giáo dục là một trong những vấn đề then chốt trong việc phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, ngành Y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với các Hội, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò của các đồng đẳng viên.
Họ là những người góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Y sĩ Trịnh Thị Duyên, cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức cho biết, các đồng đẳng viên là “cánh tay nối dài” của nhân viên y tế. Họ là người trực tiếp tiếp cận, tuyên truyền và vận động người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến các cơ sở y tế xét nghiệm, kịp thời điều trị.
Theo thống kê của ngành Y tế Quảng Ngãi, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 61 ca nhiễm mới, giảm 44 ca so với năm 2022. Tuy số ca nhiễm mới giảm nhưng điều đáng lo ngại là số ca nhiễm trong độ tuổi từ 16 - 29 tuổi tăng và tập trung nhiều ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Bác sỹ Phạm Văn Long, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua phân tích về giới tính, độ tuổi và đường lây của 61 trường hợp nhiễm HIV phát hiện trong năm 2023 cho thấy có 52 người là nam giới; các trường hợp nhiễm đều lây qua đường tình dục, trong đó quan hệ tình dục đồng giới chiếm 52,4%.
Theo bác sỹ Phạm Văn Long, để tiếp cận, tuyên truyền và hỗ trợ phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho những người đồng giới, ngoài sự nỗ lực của đơn vị chuyên môn còn cần sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các đồng đẳng viên trong giới đồng tính nam, nữ. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV/AIDS cho người dân, đơn vị còn tổ chức cấp bao cao su miễn phí, xây dựng mạng lưới đồng đẳng viên tuyên truyền cho những người đồng tính nam, mở rộng địa bàn hoạt động của đồng đẳng viên; tăng cường xét nghiệm tại cộng đồng…
Theo TTXVN