Người bệnh là nam thanh niên L.V.N (25 tuổi, Thanh Hóa) bị tổn thương phức tạp, hẹp dài khí quản sát thanh môn, rò và hẹp thực quản sau chấn thương tai nạn giao thông.
Hai năm trước, L.V.N không may bị tai nạn giao thông dẫn đến đa chấn thương sọ não, hàm mặt, chấn thương ngực kín, gan... được phẫu thuật kết hợp xương hàm mặt, vùng cổ và điều trị bảo tồn các cơ quan tổn thương khác. Sau mổ, người bệnh được theo dõi và điều trị hồi sức tích cực (có mở khí quản), khi ổn định thì tiếp tục chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp.
Một tháng sau khi mở khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn nong và đặt stent khí quản, sau đó phẫu thuật cắt nối khí quản nhưng không thành công do tổn thương phức tạp và hẹp trên một đoạn khí quản dài. Sau khoảng hai tháng, bệnh nhân khó thở và được mở lại khí quản vĩnh viễn.
Trong thời gian điều trị hẹp khí quản cổ, khi chưa phải mở khí quản vĩnh viễn, bệnh nhân ăn uống hoàn toàn bình thường qua đường miệng và đi tiêm thuốc chống tạo sẹo, nhưng người bệnh xuất hiện chảy dịch qua chỗ mở khí quản, được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chẩn đoán rò khí-thực quản tại vị trí tiêm chống tạo sẹo của khí quản và tiến hành mở thông dạ dày nuôi ăn.
Hơn một năm qua, bệnh nhân không ăn được bằng đường miệng (mà phải ăn bơm qua mở thông dạ dày), không thở qua đường mũi mà thở qua đường mở khí quản ở cổ. Bệnh nhân và gia đình rất bi quan về tương lai của một chàng trai trẻ đang sức làm việc nhưng giờ tàn phế, cuộc sống bế tắc…
Kết quả kiểm tra nội soi thực quản tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy đoạn hẹp hoàn toàn cách cung răng trên 16 cm; miệng thực quản nhẵn, đưa ống soi xuống khoảng 2 cm, lòng thực quản có tổ chức sẹo hẹp vòng quanh, gây hẹp toàn bộ chu vi, tình trạng hẹp không được cải thiện sau nong, đồng thời khi nội soi khí quản đưa ống soi qua đường mũi thấy có dấu hiệu nghi ngờ liệt dây thanh âm.
Chụp cắt lớp vi tính hạ họng - thanh quản cho thấy hình ảnh vỡ khung sụn thanh quản gây chít hẹp lòng thanh quản, đã mở khí quản ngang mức cột sống cổ IV, V; tổn thương đoạn khí quản dài khoảng 6,5 cm tới sát thanh môn.
Trước những tổn thương phức tạp của người bệnh, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa (tai mũi họng, tiêu hóa, phẫu thuật lồng ngực, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, ngân hàng mô, dinh dưỡng…) thống nhất tiến hành phẫu thuật hai thì (hai đợt). Thì một phẫu thuật tạo hình cắt-nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng; thì hai phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não hiến tặng (đã có sẵn tại Ngân hàng mô).
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các ê-kíp là những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh được phẫu thuật tạo hình cắt-nối thực quản cổ, cắt đoạn sẹo xơ khí quản vào ngày 11/4/2024 và chuẩn bị hai đầu khí quản sẵn sàng cho lần phẫu thuật tiếp theo. Ngày 13/5/2024, người bệnh được phẫu thuật ghép khí quản cổ bằng khí quản của người cho chết não kết hợp với đặt stent khí quản, chuyển vị cơ ức đòn chũm hai bên che phủ đoạn khí quản ghép.
Ca mổ bước đầu thành công. Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh được ra viện và trở về nhà vào ngày 25/6/2024. Kết quả khám lại sau một tháng cho thấy bệnh nhân có thể trạng tốt dần lên (tăng được 5 kg), sẹo mổ liền tốt…; đặc biệt người bệnh đã ăn, uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi. Kết quả soi thực quản và khí quản cho thấy, sẹo mổ liền tốt, đoạn khí quản ghép màu hồng không xung huyết, không hoại tử, không hẹp.
Kết quả khám lại ba tháng sau mổ, người bệnh đã tăng được 10 kg với thể trạng toàn thân khỏe mạnh, tự thở qua mũi, tự ăn qua đường miệng. Kết quả kiểm tra ngày 7/8 cho thấy, người bệnh có sự thay đổi hoàn toàn, tăng cân trở lại, sức khỏe tiến triển tốt, ăn được bằng đường miệng và thở bằng đường mũi. Dự kiến sau khi rút stent khí quản (trong khoảng 1-2 tháng tới), cuộc sống người bệnh sẽ trở lại bình thường.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, đến nay, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn còn là một thách thức trong ngành ngoại khoa cũng như trong giới y học trên thế giới. Qua tra cứu, chỉ có một số ít báo cáo ngắn về phẫu thuật ghép đoạn khí quản, nhưng tỷ lệ thành công cũng không nhiều, chưa có một phương pháp nào hiệu quả nhất để xử trí loại hình tổn thương này. Hiện trên thế giới mới có khoảng 10 báo cáo về các ca ghép tương tự.
Tháng 9/2007, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã thực hiện thành công phương pháp ghép tự thân khí quản cho bệnh nhân bằng cách lấy một đoạn động mạch chủ ở thận người bệnh ghép vào phần khí quản của họ. Còn lần này là ca ghép từ người cho chết não hiến tặng, có tính chất phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh việc có hai tổn thương cùng một lúc (cả khí quản và thực quản) thì việc lựa chọn phương pháp xử lý hai loại tổn thương, chọn vật liệu ghép, thời điểm tiến hành, phương án gây mê, chăm sóc hậu phẫu, nuôi dưỡng đoạn khí quản ghép… được tính toán kỹ.
Tất cả các vấn đề nêu trên luôn được đặt ra trong quá trình hội chẩn, nhưng đó cũng là những kinh nghiệm quý để thực hiện những ca ghép phức tạp trong tương lai. Thành công của ca phẫu thuật này mở ra cơ hội điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt cho những trường hợp tổn thương đoạn khí quản dài (do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc u...) có thể phục hồi trở lại đường thở tốt nhất.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xác định ghép tạng là một trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Ngoài việc triển khai thường quy hơn nữa ghép gan, tim, thận, phổi… bệnh viện sẽ triển khai ghép nhiều bộ phận khác như tụy, ruột…