Thành đồng Tổ quốc

23/09/2021 - 07:27

 - Để tôn vinh những chiến công vang dội của quân dân miền Nam, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Xứng đáng với hình tượng ấy, qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại, suốt 30 năm chiến đấu cho đến ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” lại được vang lên, trong niềm vui đại thắng của một dân tộc ngoan cường. Đây là biểu tượng kiên cường của Tổ quốc, hình ảnh bất tử cho cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

“Thành đồng” năm xưa

Ngày 23-9-1945 đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc bởi sự kiện đặc biệt quan trọng, mở ra những chiến công oanh liệt, hào hùng - Ngày Nam Bộ kháng chiến. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, phải đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, mới thấy hết tính quyết đoán của Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam Bộ và tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ. Trước hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, vấn đề đặt ra là ta có phát động kháng chiến hay không? Nếu không đánh thì địch chiếm ưu thế, quần chúng sẽ hoang mang và sau này, khi thương lượng thì ta mất thế. Còn nếu đánh, sẽ gây thiệt hại cho địch, đồng thời cũng tạo cơ sở để thương lượng sau này. Nhưng vấn đề là tình thế cấp bách, có nên quyết định đánh trong khi chưa có lệnh của Trung ương? Cuối cùng, Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã quyết định: vừa phát động kháng chiến, vừa đợi ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Thực tế cho thấy, quyết định này hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

An Giang tiếp sức cho tỉnh Bình Dương chống dịch. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội đầu tiên, khai mạc tại Hà Nội ngày 2-3-1946, Chính phủ Kháng chiến (còn gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến) đã ra đời. Đọc báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ kháng chiến, Bác Hồ tuyên thệ: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn, dù phải hy sinh tính mạng cũng không từ”. Trước khi Quốc hội bế mạc, phát biểu cảm ơn, Bác nói: “Chúng ta cùng hứa với nhau rằng, Quốc hội lần này là Quốc hội kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng, Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi”.

Và “Thành đồng” hôm nay

Vòng quay lịch sử dường như lặp lại, vào 76 năm sau. “Giặc” COVID-19 vô hình, nhưng gây nên hàng loạt thiệt hại hữu hình, hoành hành trong gần 2 năm qua, khiến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những thách thức lớn, vừa ứng phó với đại dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Tuy nhiên, với ý chí bất khuất và với tinh thần đại đoàn kết, Việt Nam đang đi đúng hướng và đưa giải pháp rất đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch.

Mấy tháng nay, miền Nam bước vào cuộc chiến không ngơi nghỉ với “giặc” COVID-19. Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 8-7, ngay trước thời khắc thành phố áp dụng giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: “Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch”. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là lời hiệu triệu, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, kết thành sức mạnh tổng hợp giúp vững tin, vững nguồn lực thực hiện cuộc chiến tổng lực...

PGS.TS Phan Xuân Biên (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhận định: “TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến các dòng văn hóa trong và ngoài nước. Khi người dân đồng lòng, ủng hộ chính quyền thì trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, cái tốt sẽ sinh sôi, phát triển thành dòng chủ lưu của đời sống văn hóa xã hội. Cơn hoạn nạn mang tên COVID-19 chính là môi trường cho những giá trị văn hóa tốt đẹp sinh sôi, giao thoa, phát triển mạnh mẽ. Đó chính là cơ sở, nội lực bồi đắp niềm tin, sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh từ phía người dân...”.

TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh miền Nam nói chung đang bước vào giai đoạn kháng chiến mới. Đã có rất nhiều hy sinh, mất mát, đã có thiệt hại to lớn về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng, miền Nam luôn nhớ đến danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” - danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao cho quân và dân Nam Bộ, để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng. Ngày trước, nơi đây là mặt trận mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam Bộ, đánh tan âm mưu của thực dân Pháp khi quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày nay, không vì lý do gì, chúng ta lại chùn bước, e ngại trước “kẻ thù”. Chiến thắng sẽ về với miền Nam Thành đồng Tổ quốc, khi đủ tin yêu, đủ sức mạnh đại đoàn kết, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất trên đời…

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích