Thanh Hóa phá vụ án mua bán hóa đơn giá trị giao dịch hơn 2000 tỷ đồng

29/07/2021 - 20:00

Đây là vụ án mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xôn xao trước việc có nhiều “ông lớn” trong giới doanh nhân bị “xộ” khám vì liên quan đến việc mua bán hóa đơn thuế GTGT, gây thất thoát một lượng tiền lớn của Nhà nước.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao có những người tự nhiên không làm gì bỗng giàu có một cách bất ngờ, thậm chí có những người đã từng tuyên bố phá sản nay lại có biệt thự, xe sang, hàng hiệu…Tất cả những điều bất thường đó đã nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ của Công an thành phố Thanh Hóa.

Ngày 30/5 Công an thành phố Thanh Hoá đã phá Chuyên án T421, bắt giữ 8 đối tượng gồm: Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1967), Hoàng Thị Ánh (sinh năm 1971), Trần Đình Hiếu (sinh năm 1990), Phạm Thị Yến (sinh năm 1976) đều ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, Hoàng Thị Von (sinh năm 1990, ở phường Quảng Hưng), Lê Thị Phương (sinh năm 1985, ở phường Đông Hải), Dương Thị Diệu Hà (sinh năm 1981, ở phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) và Lê Huy Sơn (sinh năm 1966, ở xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa) trong đường dây thành lập hàng chục công ty "ma" để mua bán trái phép hoá đơn thuế giá trị gia tăng lớn nhất từ trước đến nay, thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng.

Thanh Hóa phá vụ án mua bán hóa đơn giá trị giao dịch hơn 2000 tỷ đồng ảnh 1

Các đối tượng chính trong đường dây mua bán hoá đơn “khủng”.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an thành phố Thanh Hóa đã thu giữ: 10 thùng hóa đơn, chứng từ, 8 máy tính, 8 điện thoại di động, 17 con dấu của hơn 10 công ty "ma", 550 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật có liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT. Đồng thời, lực lượng Công an thành phố cũng tiến hành phong tỏa 8 tài khoản tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa - .cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 11 vụ án, 29 bị can phạm tội mua bán hóa đơn và đây có thể nói là vụ án mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất từ trước đến nay, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, nhận thấy các đối tượng hoạt động phạm tội trong thời gian dài, thành lập nhiều doanh nghiệp, thất thoát số tiền thuế của Nhà nước lớn... Nguyên nhân của các vụ việc này là do nhu cầu về hóa đơn của các doanh nghiệp rất lớn. Các đơn vị chọn cách mua hóa đơn để hạch toán cân đối giữa thuế đầu vào và thuế đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp, hợp thức hóa quá trình sản xuất kinh doanh có gian lận đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thi công xây lắp công trình, vận tải…

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội mua bán hóa đơn khá tinh vi như: mượn giấy tờ như CMND, CCCD, hợp đồng thuê nhà…của người than trong gia đình, bạn bè, chủ cho thuê nhà để thành lập, đứng tên Giám đốc, kế toán, để đăng ký thành lập doanh nghiệp; tự ký tên Giám đốc, kế toán rồi đăng ký chữ ký với cơ quan chức năng hoặc tìm cách mua lại Công ty phá sản, Công ty đã tạm dừng hoạt động nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên rồi làm thủ tục mua bán lại Công ty, sang tên để hoạt động trở lại nhưng thực tế là mua bán hóa đơn.

Thanh Hóa phá vụ án mua bán hóa đơn giá trị giao dịch hơn 2000 tỷ đồng ảnh 2

Đại tá Khương Duy Oanh - Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá (ngoài cùng bên trái) - chỉ đạo phá án.

Tạo chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt, các đối tượng mạo danh chủ doanh nghiệp lập, ký hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng để chuyển khoản, tạo chứng từ thanh toán cho số hóa đơn mua, bán trái phép có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Hợp lý hóa hóa hồ sơ, chứng từ như hợp đồng kinh tế, ủy nhiệm chi, chứng từ ngân hàng gần như là đầy đủ không phát hiện được hành vi mua bán hóa đơn, tìm mọi lý do để che dấu vết tại ngân hàng, thuê người khác rút tiền, chuyển tiền tại ngân hàng, thường xuyên thay đổi số điệ thoại hoặc liên lạc qua mạng xã hội nên rất khó cho công tác phát hiện.

Đối tượng Hoàng Thị Hạnh trước đây là chủ một doanh nghiệp. Sau đó làm ăn thua lỗ, Hạnh tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, từ tháng 8/2020 đến nay, Hoàng Thị Hạnh đã cùng đồng bọn thành lập hàng loạt Công ty như: Công ty TNHH thương mại vận tải 56 có địa chỉ ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn; Công ty TNHH DVTM tổng hợp Phong Thủy có địa chỉ ở phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; Công ty TNHH MTV Anh Khánh có địa chỉ ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa...để phát hành và bán gần 5000 chứng từ, hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn là hơn 1000 tỷ đồng và thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng.

Hằng tháng, hằng quý, nhóm đối tượng này vẫn làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế, đầy đủ các giấy tờ như hợp đồng kinh tế, hợp đồng nguyên tắc, phiếu thu - chi để tránh cơ quan thuế kiểm tra nhưng thực chất là toàn giấy tờ khống. Các đối tượng không đến ngân hàng thực hiện giao dịch trực tiếp mà ủy quyền cho kế toán hoặc người khác, ký mạo danh chữ ký giám đốc.

Kết quả đấu tranh chuyên án T421, bắt giữ và khởi tố 27 bị can trong đường dây mua bán hóa đơn của Công an Thanh Hóa đã đánh đúng, đánh trúng và giải quyết vấn đề bức xúc của xã hội, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo HẢI TRIỀU (Báo Pháp Luật)