Thành nhà Hồ - kiến trúc độc đáo xứ Thanh

29/03/2023 - 07:20

 - Có dịp về thăm các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), du khách không chỉ thích thú với phong cảnh sông nước hữu tình, mà còn háo hức đến thăm đền Đồng Cổ, động Hồ Công, thành nhà Hồ, đàn tế Nam Giao… Nơi lưu dấu ấn triều đại phong kiến của dân tộc những năm đầu thế kỷ XV. Trong đó có thành nhà Hồ - một trong những tòa thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại trên thế giới và là điểm du lịch rất được yêu thích tại Thanh Hóa.

Trên con đường vào trung tâm huyện Vĩnh Lộc, từng gian nhà cổ với khoảnh sân nhỏ trước nhà mang đậm phong cách của làng quê Bắc Trung Bộ. Thành nhà Hồ chợt hiện ra với dáng đứng uy nghi, trầm mặc cùng niềm kiêu hãnh về sự vững chãi, độc đáo làm từ những khối đá chồng lên nhau, thách thức thiên nhiên qua hơn 600 mùa mưa nắng. Đến tham quan thành, khách được hướng dẫn có thể dùng xe máy đi theo con đường bên ngoài tường thành để di chuyển đến các cổng Đông, Bắc, Tây, cuối cùng trở về cổng Nam để chụp ảnh lưu niệm hoặc nghe thuyết minh viên giới thiệu về di tích. Với diện tích toàn khu 155ha và vùng đệm hơn 5.000ha, mở ra nhiều khung cảnh thiên nhiên, cùng không gian văn hóa bản địa để du khách trải nghiệm.

Từ trên cao nhìn vào bên trong thành là những khoảng đất rộng mênh mông, mà trước đó từng là cung điện, dinh thự của hoàng tộc, quan lại. Tháp tùng chuyến xe điện, chúng tôi được thuyết minh viên hướng dẫn vào tham quan những tuyến đường bên trong thành, lần lượt đến tham quan nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng nằm ở phía cổng Tây, là một trong 10 ngôi nhà cổ độc nhất Việt Nam. Có tình yêu đặc biệt với quê hương, sự gắn bó với thành nhà Hồ hơn 10 năm, thuyết minh viên với giọng truyền cảm giới thiệu chúng tôi vì sao ngôi thành được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cổng Nam, thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh, thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3/1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ, nhưng một số đoạn của tòa thành còn tương đối nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, thành nhà Hồ đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận Di sản văn hóa thế giới; thành cũng được Đài CNN (Hoa Kỳ) đánh giá là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới...

Thành Tây Đô được xây năm 1397 dưới triều Trần, do Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (năm 1400) lập ra nhà Hồ. Theo sử sách, thành bắt đầu xây dựng vào tháng Giêng năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thái thứ 10, đời vua Thuận Tông. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly. Ông xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên gọi Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đây trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân, Vương triều Hồ thành lập (1400 - 1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy, thành Tây Đô được dân gian quen gọi là “Thành nhà Hồ”.

Hồ Quý Ly từ khi nắm quyền của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới, đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền Trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Theo sử sách, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn, với hệ thống chính sách và biện pháp khá táo bạo...

Như mọi thành quách bấy giờ, thành nhà Hồ gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối, mặt trong đắp đất. 4 cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông. Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8m, cao 9,5m, rộng 15,17m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài 7m, cao 1,5m, nặng 15 tấn). Thành nhà Hồ thể hiện một trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 - 20 tấn được nâng lên cao với dụng cụ thô sơ, ghép với nhau tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững…

Ngồi nghỉ chân nơi quán nước gần cổng Nam, chúng tôi có dịp thưởng thức tách trà rau má, ăn chiếc bánh dẻo, chè lam thơm mùi rau má, trò chuyện với cô bán các mặt hàng lưu niệm xứ Thanh, để rồi được chia sẻ thêm bao câu chuyện, tích truyện thú vị xoay quanh thành nhà Hồ… Một cảm giác bâng khuâng, đầy lưu luyến chợt len lỏi trong tâm hồn, xen lẫn niềm tự hào về quê hương, đất nước, về sự thăng trầm của các vương triều như mắt xích quan trọng xây dựng nên một Việt Nam ngày càng hưng thịnh. 

NGỌC GIANG