Thanh niên khởi nghiệp trên quê hương

04/09/2018 - 07:48

 - Mong muốn nối nghiệp gia đình và phát triển thị trường bánh kẹp truyền thống, bạn Nguyễn Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1988, ngụ ấp Hiệp Hòa, Hiệp Xương, Phú Tân) đã chọn việc sản xuất - kinh doanh (SX-KD) loại bánh này để khởi nghiệp. Sau nhiều năm thử nghiệm và phát triển bằng phương thức bán lẻ, xây dựng chuỗi đại lý, SX theo đơn đặt hàng các loại bánh kẹp cuốn, Ngọc Phượng đã có cơ sở riêng ổn định.

Ngọc Phượng chia sẻ, bạn là người yêu thích KD, muốn làm chủ bản thân và làm chủ tài chính. Chọn nghành nghề truyền thống của gia đình để thử sức khởi nghiệp là bánh kẹp, bạn đã kết hợp bánh truyền thống cách tân mẫu mã và bán hàng theo cách hiện đại, phát triển thị trường ngày một rộng hơn. Thành phần nguyên- vật liệu chủ yếu làm ra bánh kẹp là: bột mì, bột gạo, đường, dừa, trứng, có nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. So với các sản phẩm (SP) khác, bánh kẹp do Phượng nghiên cứu sở hữu công thức không sử dụng hóa chất hay phẩm màu. Bánh giòn với hàm lượng nước cốt dừa cao hơn để SP có hương thơm tự nhiên, vị béo ngậy và tốt hơn về mặt dinh dưỡng. “Ý tưởng của mình là làm sao để giảm chi phí, tận dụng hết các yếu tố nguồn lực mang lại lợi ích kinh tế và có giải pháp biến rác thải thành SP có giá trị”. Cô bạn trẻ còn bày tỏ trăn trở khi ẩm thực nước ngoài đang “lấn sân” khắp mọi nơi, khiến nhiều người đang quên lãng các loại bánh truyền thống, bạn càng có động lực để phát triển nghề.

 Ngọc Phượng chuẩn bị giao bánh cho các đại lý

Theo tìm hiểu thị trường của Ngọc Phượng, bánh kẹp cuốn truyền thống hiện nay vẫn được duy trì nhưng chưa được khai thác triệt để. Từ suy nghĩ đó, Ngọc Phượng vừa SX, vừa phát triển hệ thống đại lý và chính thức trở thành chủ cơ sở SX, hiện có cửa hàng đặt tại trung tâm chợ của xã. Cơ sở SX 4 loại bánh chính: bánh cuốn hình hoa, bánh ống loại to, bánh ống loại nhỏ, bánh cuốn dành cho người ăn chay. Hiện nay, Ngọc Phượng đã có 20 đại lý bán lẻ, tập trung nhiều nhất tại các địa phương: Châu Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, cơ sở bán ra từ 50kg thành phẩm. Ngọc Phượng cho biết trong tương lai, cơ sở chọn TP. Long Xuyên và các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên để phát triển vì đây là tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, là nơi các SP được bán ra tiếp cận nhanh nhất với khách hàng và có cơ hội vươn xa hơn đến các nơi khác, thậm chí sang thị trường ngoài nước.

Để một SP truyền thống và bình dân như bánh kẹp có chỗ đứng, cạnh tranh với SP cùng loại trên thị trường, cô chủ trẻ xác định yếu tố đặt lên hàng đầu là chất lượng SP: phải ngon, đảm bảo vệ sinh và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, Ngọc Phượng đã hoạch định cho cơ sở phát triển theo từng năm, với chiến lược xây dựng đại lý kèm theo chính sách thỏa đáng nhằm duy trì hệ thống bán lẻ, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, hương vị bánh và SX theo đơn đặt hàng. Ngọc Phượng đã nghiên cứu để bắt đầu xây dựng 1 trang trên mạng xã hội Facebook, cung cấp thông tin cần thiết về cơ sở, SP và bán hàng online nhằm giúp nhiều khách hàng tiếp cận. Ngọc Phượng cho rằng, sự tương tác nhanh chóng của mạng xã hội là cách đơn giản và dễ dàng nhất để biết được SP được người tiêu dùng ưa chuộng đến mức độ nào, từ đó sẽ có hướng phát triển hiệu quả và sát nhu cầu người tiêu dùng hơn.

MỸ HẠNH