Trao vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên
Trước đây, gia đình anh Đỗ Minh Trung (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) sống bằng nghề xẻ gỗ, cưa cây. Nhưng nghề này dần bị “lép vế”, khi người dân nông thôn ngày càng ưa chuộng sản phẩm từ nhôm, kẽm, inox… Anh chuyển sang học nghề làm tủ nhôm. Năm 2022, anh được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Tỉnh đoàn) hỗ trợ vay 80 triệu đồng.
“Khi nhận được nguồn vốn vay, tôi đầu tư trang thiết bị phục vụ tốt hơn cho công việc. Đầy đủ máy móc, dụng cụ sẽ rút ngắn thời gian thực hiện; chất lượng dịch vụ, sản phẩm làm ra được nâng cao, mẫu mã đa dạng hơn, nên mọi người tìm đến nhiều, công việc phát triển hơn” - anh Trung bày tỏ.
Với tính cần cù, chịu khó, anh phát triển cơ sở của mình theo hướng chuyên làm đồ dùng nhôm, kẽm; thiết kế và thi công cửa sắt, cửa kính, vách ngăn, nhà tiền chế... Ngoài ra, cơ sở tạo công việc thời vụ cho 3 - 5 thanh niên địa phương.
Được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Châu Thành giới thiệu vay vốn (từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành), anh Nguyễn Minh Hậu (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh) nuôi cá betta (cá cảnh). Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, anh gặp nhiều trở ngại về con giống, thời tiết, nguồn nước… tỷ lệ cá sống bị hao hụt nhiều. Dù vậy, anh vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm theo đuổi đam mê; tích cực học hỏi kỹ thuật nuôi cá cảnh từ người có kinh nghiệm và qua mạng xã hội.
Đến nay, anh Hậu làm chủ kỹ thuật nuôi, cho cá betta sinh sản thành công. Anh giới thiệu cá cảnh trên mạng xã hội, bán trực tiếp và online. Trên 20 bể nuôi cá betta mang lại cho gia đình anh lợi nhuận bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Trương Thành Trung cho biết: “Việc nuôi cá betta của anh Nguyễn Minh Hậu là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế. Sắp tới, Huyện đoàn sẽ tổ chức cho ĐVTN tham quan mô hình này”.
Anh Trương Thành Trung cho biết thêm, những năm qua, Huyện đoàn Châu Thành triển khai sâu rộng phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ĐVTN phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), làm giàu chính đáng. Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn trong huyện thường xuyên khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của ĐVTN. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ thiết thực để các bạn trẻ khởi nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Để giúp ĐVTN hiện thực hóa ý định khởi nghiệp, Huyện đoàn Châu Thành đóng vai trò làm cầu nối, tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, phát triển ngành nghề SXKD; thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ thanh niên thoát nghèo”. Từ năm 2021 đến nay, 36 thanh niên của huyện được vay gần 2 tỷ đồng phát triển SXKD.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn tạo điều kiện cho những dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử.
“Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, chúng tôi rà soát nhu cầu mở rộng SXKD, khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, phối hợp Đoàn cơ sở, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đối tượng vay vốn thực hiện đúng nội dung dự án, quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích; hoàn trả vốn và nộp lãi (nếu có) đúng thời gian quy định” - anh Trương Thành Trung thông tin.
Chương trình, phong trào, hoạt động thanh niên khởi nghiệp đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ĐVTN, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, như: Làm chậu kiểng, “Vườn - ao - chuồng”; thể dục thẩm mỹ; trồng nấm rơm; nuôi lươn sinh sản; nuôi ốc bươu; kinh doanh văn phòng phẩm; cho thuê trang phục cưới… |
KHÁNH MY