Thanh toán không dùng tiền mặt

05/04/2023 - 06:28

 - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cộng với sự phổ biến của các thiết bị di động kết nối Internet, đã tạo thuận lợi cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, chính sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng là lý do để nhiều người lựa chọn sử dụng hình thức thanh toán này.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát nhằm tạo chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Với mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 đạt giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm.

Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Từ 90% - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90% - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thay đổi thói quen

Những năm gần đây, việc sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người từ thành thị đến nông thôn. Chỉ cần dùng điện thoại kết nối mạng Internet, tải ứng dụng, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng thì có thể thực hiện thanh toán hầu hết các dịch vụ mà không cần đến tiền mặt, như: Nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, đóng bảo hiểm, thanh toán viện phí, đóng tiền điện, tiền nước, thanh toán phí truyền hình, internet; nạp tiền điện thoại, thanh toán cước taxi, mua vé máy bay, xe khách, mua vé xem phim; thanh toán hóa đơn mua hàng tại các quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi giải trí...

Trước đây, hàng tháng, anh Nguyễn Quốc Vinh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) phải đến điểm thu để đóng tiền mặt và chờ đợi lâu vì có nhiều người cùng đến đóng tiền. Còn hiện nay, chỉ cần điện thoại kết nối internet dù ở bất cứ đâu và thời gian nào, anh Vinh cũng có thể thanh toán được tiền điện, tiền nước thông qua ứng dụng của ngân hàng, sau khi nhận được thông báo qua Zalo.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh quét mã QR, chị Phạm Thị Ngọc Mai (TP. Châu Đốc) thanh toán xong hóa đơn mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi gần nhà, mà không cần phải mang theo tiền mặt. Chị Mai cho biết: “Khoảng hơn 1 năm nay, tôi thường sử dụng thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt, như: Quét mã QR, ví điện tử, các tiện ích về ngân hàng số… Do đó, tôi không cần mang tiền mặt trong người”.

Đã trở thành thói quen trong thời gian qua, sau khi chọn mua một số hàng hóa ở siêu thị, cô Nguyễn Thị Ngọc Trân (TP. Long Xuyên) chỉ cần đưa thẻ ATM cho nhân viên thu ngân thanh toán. “Bây giờ, tôi chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ truyền thống, còn hầu hết khi mua sắm ở các cửa hàng, siêu thị, tôi đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản. Vừa thuận tiện, vừa an toàn” - cô Trân chia sẻ.

Không chỉ thuận tiện với khách hàng cá nhân, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn mang đến tiện ích vượt trội cho các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ... giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt một cách thuận tiện, an toàn và chính xác.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (bán gạo ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Song song với nhận tiền mặt từ người mua gạo, tôi cũng nhận thanh toán bằng cách chuyển khoản. Thanh toán bằng cách này, tôi không lo bị nhận tiền giả, tiền rách, tiết kiệm thời gian giao dịch, không phải đếm tiền mặt khi có người mua gạo số lượng nhiều”.

Chị Lê Thị Kim Ánh (chủ cửa hàng bán quần áo ở TP. Châu Đốc) cho biết, trước đây khách hàng mua sắm đều thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay, rất nhiều khách hàng đều thanh toán tiền qua thẻ ATM hoặc chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại vừa nhanh, vừa tiện lợi.

Từ những tiện ích thiết thực, thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng nhiều trong các giao dịch hàng ngày và trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, người dân lưu ý không cung cấp mã OTP, mật khẩu cho người lạ; không nhấn vào các đường link lạ gửi qua SMS. Đồng thời, đặt mật khẩu theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với các giao dịch có giá trị lớn, để đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.

TRỌNG TÍN