Thành tựu và tự hào

09/09/2024 - 00:20

 - Thoại Sơn ngày nay đã trở thành điểm sáng của tỉnh An Giang, là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Địa phương đạt chuẩn huyện NTM năm 2018 và đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023, vượt trước lộ trình đề ra.

Toàn huyện Thoại Sơn có 23 quỹ khuyến học - khuyến tài với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng

Điểm sáng nông thôn

Ông Nguyễn Quốc Hùng (ngụ xã Vọng Thê) không giấu được niềm vui khi hay tin huyện nhà được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Những ngày qua, từ huyện đến các xã, thị trấn đã chủ động, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, phong phú tới mọi tầng lớp Nhân dân về Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao; kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2024).

Cùng với đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất, người dân trong huyện tích cực chung tay tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, trồng hoa, dọn vệ sinh môi trường đảm bảo sạch đẹp, góp phần vào sự thành công của buổi lễ.

Sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Thoại Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mở rộng mới 11 tuyến đường (43km) đến trung tâm xã (từ 3,5m lên 7,5m, trong đó nhựa 5,5m); 31 tuyến đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa (118km, đạt tỷ lệ 100%).

Mặt bằng mở rộng được Nhân dân hiến đất toàn bộ, không phải bồi hoàn. Đội thi công cầu thiện nguyện ở các xã xây dựng 42 cây cầu (thay thế cầu gỗ, sắt bằng cầu bê-tông kiên cố), kinh phí vận động xã hội hóa 71%, Nhà nước hỗ trợ 29% mua vật tư, nhân công huy động Nhân dân và cán bộ. Hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư mới 56 tuyến, với 136km (vốn vận động xã hội hóa trong dân, doanh nghiệp 50%, ngân sách 50%). Qua đó, nâng tổng số 98 tuyến đường có hệ thống chiếu sáng, chiều dài 401km, đạt tỷ lệ 100%, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét.

Là huyện đi lên từ nông nghiệp, Thoại Sơn tập trung chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Những năm qua, huyện đã tập trung hỗ trợ 114 mô hình sản xuất nông nghiệp, tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 8,2 tỷ đồng, nông dân đối ứng 24,6 tỷ đồng). Thông qua các mô hình hỗ trợ, nông dân đã nhân rộng trên toàn huyện thành 425 mô hình.

Điểm sáng của huyện còn có mô hình Quỹ Xã hội từ thiện. Toàn huyện có 31 quỹ, kinh phí vận động 57,2 tỷ đồng, gồm: Quỹ Vì người nghèo (do cán bộ, công nhân, viên chức đóng góp); Quỹ Hỗ trợ cán bộ từ trần; Quỹ Mổ tim; Quỹ Hưu trí; Quỹ Nghĩa tình đồng đội; Quỹ Ân sư, Quỹ Hội cựu Công an nhân dân… và các quỹ ở 17 xã, thị trấn.

Viện Kỷ lục Việt Nam công nhận Thoại Sơn là “Huyện xây dựng và vận động xã hội hóa được nhiều nguồn quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn”.

Cùng với đó, huyện thực hiện mô hình “Mái ấm tình thương” với 18 quỹ (1 quỹ hội mái ấm ở huyện và 17 quỹ hội mái ấm ở xã, thị trấn), vận động kinh phí trên 135 tỷ đồng làm nhà từ thiện, cất hơn 2.500 căn nhà Tình thương cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở của huyện.

Vươn mình phát triển

Huyện Thoại Sơn thành lập ngày 23/8/1979, nằm về phía Đông Nam Tứ giác Long Xuyên. Phía Bắc giáp huyện Châu Thành, Tây Bắc giáp huyện Tri Tôn, phía Đông giáp TP. Long Xuyên, phía Nam giáp quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Hiệp, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Đây là tiền đề giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kỳ yên Đình Thoại Ngọc Hầu, di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (được công nhận năm 2012 theo Quyết định 1419/QĐ-TTg). Cũng trong năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng hồ sơ Khu di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Việc xây dựng hồ sơ đề cử đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo - một di sản văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc khai quật ở đây đã đưa ra khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo là trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam.

Ngày 23/8, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang phối hợp UBND huyện Thoại Sơn vận hành công trình nâng cấp, mở rộng đường vào Khu di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thuộc Đường tỉnh 943 (đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn).

Công trình có tổng chiều dài 14,8km; bề rộng nền đường 9 - 10m, cùng các hạng mục hệ thống thoát nước, an toàn giao thông theo quy định... Tổng mức đầu tư công trình 104 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh An Giang.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Thành Được cho biết: “Tuyến đường vào Khu di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân; đồng thời là cầu nối để kết nối giao thông giữa huyện Thoại Sơn và các huyện lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thoại Sơn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Đây còn là tuyến giao thông huyết mạch nối vựa lúa Thoại Sơn với địa phương miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên; là tuyến kết nối ngắn nhất từ Thoại Sơn ra biên giới”.

“Tôi rất vui vì những thành tựu huyện nhà đã đạt được kể từ khi bắt tay xây dựng NTM đến nay. Vì vậy, mỗi người dân chúng tôi luôn dặn lòng, quyết tâm cùng chính quyền địa phương giữ gìn kết cấu hạ tầng giao thông trong khả năng của mình, làm cho bộ mặt nông thôn càng thêm khởi sắc, huyện Thoại Sơn ngày càng văn minh, giàu mạnh, giữ vững danh hiệu huyện NTM nâng cao” - ông Nguyễn Nhựt Hoai (ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang) tự hào chia sẻ.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thoại Sơn còn 1,17% (giảm 2% so năm 2018 và giảm 5,43% so năm 2011); tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 96,8% (tăng 7,4% so năm 2018 và tăng 53,6% so năm 2011); thu nhập bình quân đầu người hơn 73 triệu đồng/người/năm (tăng 26,48 triệu đồng/người/năm so năm 2018 và tăng 58,27 triệu đồng/người/năm so năm 2010).

PHƯƠNG LAN