Thành viên NATO mua 1.000 tên lửa Patriot

04/01/2024 - 08:20

Các thành viên NATO ở châu Âu đạt được thỏa thuận mua tới 1.000 tên lửa phòng không Patriot.

Hôm 3/1, Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm (NSPA) của NATO cho biết sẽ hỗ trợ việc mua tên lửa của liên minh các nước gồm Đức, Romania, Hà Lan và Tây Ban Nha. Theo NSPA, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy châu Âu tăng cường sản xuất tên lửa Patriot do Mỹ thiết kế, giúp các thành viên NATO bổ sung kho vũ khí khi tiếp tục tài trợ vũ khí cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Khoản đầu tư này cho thấy sức mạnh của hợp tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương và cam kết của NATO trong việc đảm bảo an toàn cho người dân của liên minh”.

Bệ phóng tên lửa Patriot của Đức. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Đức)

“Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào dân thường, thành phố và thị trấn của Ukraine cho thấy hệ thống phòng không hiện đại quan trọng như thế nào. Tăng cường sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine và của NATO”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

NSPA trao hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD cho COMLOG, một liên doanh giữa nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon và MBDA của Đức, để chế tạo tên lửa mới. NSPA cho biết quy mô lớn của đơn đặt hàng hợp nhất sẽ củng cố việc thành lập dây chuyền sản xuất Patriot mới ở Đức.

NATO không đưa ra thông tin cụ thể về tiến trình xây dựng cơ sở sản xuất mới hoặc cung cấp tên lửa mới. Giám đốc điều hành MBDA Thomas Gottschild cho biết thoả thuận này giúp tăng cường khả năng công nghiệp và quân sự ở châu Âu. “Khối lượng đặt hàng cho phép MBDA thiết lập dây chuyền sản xuất tên lửa Patriot ở Đức và sản xuất các bộ phận phụ quan trọng", vị này nói.

Nga gần đây tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái  nhằm vào các mục tiêu công nghiệp - quân sự ở khu vực Kiev và các thành phố khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc không kích của Moskva sẽ được tăng tốc để đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào thành phố Belgorod của Nga.

Tuy nhiên, ông Putin lưu ý, không giống như cuộc tấn công “khủng bố” nhằm vào dân thường của Kiev, các cuộc tấn công của Nga sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự của Ukraine. 

Theo RT, Ukraine đã yêu cầu bổ sung thêm tên lửa Patriot, bất chấp hệ thống phòng không Mỹ bất lực trong việc bắn hạ tên lửa hành trình siêu thanh Kh-22 và Kh-32 của Nga. Kiev sử dụng các hệ thống Patriot do phương Tây ung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, trái với cam kết chỉ triển khai chúng để phòng thủ ở Ukraine.

Các quan chức Nga nhiều lần cảnh báo việc vận chuyển vũ khí của phương Tây sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và dẫn đến nhiều thương vong hơn trong khi không làm thay đổi kết quả xung đột.

Theo KÔNG ANH(VTC News/RT)