Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên vào ngày 27/4 sau khi đánh giá kết quả của việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19, tình hình kinh tế và đặc biệt là cuộc họp trước đó của Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã nhất trí đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được xếp vào nhóm 1 như dịch hạch và Ebola. Mức độ nguy hiểm sẽ giảm dần với các nhóm tiếp theo như bệnh lao thuộc nhóm 2, dịch tả thuộc nhóm 3, sốt vàng da thuộc nhóm 4 và cúm mùa thuộc nhóm 5.
Việc xếp COVID-19 vào nhóm 5 có nghĩa là từ ngày 8/5, các quyết định về các biện pháp phòng chống căn bệnh này tùy thuộc vào các cá nhân và doanh nghiệp. Theo quy định mới, từ ngày 8/5, chính phủ sẽ không còn quyền đề nghị nhập viện đối với bệnh nhân COVID-19 hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà các thống đốc từng căn cứ để có thẩm quyền yêu cầu giảm giờ mở cửa, đóng cửa hoặc phạt tiền đối với những doanh nghiệp không tuân thủ.
Chính phủ cũng loại bỏ hầu hết các quy định của mình, chẳng hạn như thời gian cách ly 7 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này và 5 ngày đối với những người đã tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, người dân của Nhật Bản phải tự thanh toán chi phí cho việc chăm sóc ngoại trú và nhập viện liên quan đến COVID-19, mặc dù vẫn có trợ cấp trong trường hợp phải dùng các biện pháp điều trị đắt tiền. Bệnh nhân COVID-19 được điều trị y tế tại các bệnh viện bình thường thay vì các cơ sở được chỉ định.
Trước đó, ngày 13/3, Nhật Bản đã dỡ bỏ các quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang. Nước này cũng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới phòng COVID-19 từ ngày 29/4, thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ Tuần lễ vàng hàng năm kéo dài đến đầu tháng 5, có nghĩa là mọi người không còn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm ít nhất 3 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn đảm bảo sự sẵn sàng của hệ thống chăm sóc sức khỏe để đối phó với nguy cơ tái bùng phát COVID-19 trong tương lai. Nguồn tin chính phủ cho biết khoảng 8.400 cơ sở y tế, bao gồm 90% bệnh viện trên toàn quốc cùng với một số phòng khám, sẵn sàng tiếp nhận tổng cộng 58.000 bệnh nhân nội trú COVID-19, và khoảng 44.000 cơ sở tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú, tăng từ 42.000 cơ sở vào tháng trước.
Ngay cả sau khi hạ cấp mức độ pháp lý của cảnh báo, vaccine phòng COVID-19 vẫn được phát miễn phí cho đến cuối tháng 3/2024 và việc trợ cấp 20.000 yen/tháng/người (tương đương 148 USD) cho những người nhập viện liên quan đến COVID-19 vẫn được thực hiện cho đến tháng 9/2023.
Đối với những học sinh, sinh viên bị mắc COVID-19, chính phủ khuyến cáo nên nghỉ học trong 5 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng và 1 ngày sau khi hồi phục. Ngay cả sau khi bệnh nhân hồi phục, chính phủ khuyến cáo họ nên đeo khẩu trang trong 10 ngày và hạn chế tiếp xúc với người già hoặc những người khác có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng. Chính phủ cũng đưa ra hướng dẫn tương tự cho những người muốn biết khi nào họ có thể trở lại làm việc sau khi bị nhiễm bệnh.
Trước đó, vào năm 2020, COVID-19 được phân loại là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng đặc biệt, tương đương hoặc nghiêm trọng hơn nhóm 2, bao gồm các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao và hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS.
Tuy nhiên, sau 3 năm đối phó với COVID-19, hiệu quả chương trình tiêm chủng, các biện pháp phòng chống khác đã làm cho căn bệnh này ít gây chết người hơn, cùng với việc ngày càng có nhiều những lời kêu gọi phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chính phủ chính thức quyết định hạ cấp độ cảnh báo COVID-19.
Theo TTXVN