Thay đổi tư duy về an ninh lương thực vùng ĐBSCL

16/07/2024 - 06:14

 - Với lợi thế lớn về nông nghiệp, ĐBSCL vẫn là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước, chiếm đến 95% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, tư duy về an ninh lương thực cần thay đổi theo hướng không chạy theo năng suất, sản lượng mà phải nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập tương xứng cho người trồng lúa. Đồng thời, không dựa chính vào cây lúa mà linh hoạt chuyển đổi sang mô hình thủy sản - trái cây - lúa gạo, đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến để phát huy thế mạnh của vùng.

Dấu hiệu tích cực

Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 21/6/2022.

Đây là quy hoạch vùng được ban hành sớm nhất so các vùng trên cả nước. Việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng cùng với thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch, đảm bảo thống nhất và đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, sau khi triển khai thực hiện quy hoạch vùng, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo hướng bền vững hơn. Vùng ĐBSCL đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; công tác điều phối, liên kết vùng dần nhịp nhàng, phát huy hiệu quả...

Khai thác đa dạng các loại nông sản

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế, cao gấp gần 1,3 lần so bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 72,32 triệu đồng/người, tăng 10,1% so năm 2022.

Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm dần (chiếm 30,05%); công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng (chiếm 27,62%); khu vực dịch vụ tăng nhẹ (chiếm 37,07%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,26%.

Khai thác vùng đất quý

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Với tổng diện tích hơn 40.000km2 (chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước), ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng.

ĐBSCL chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng đất quý của nhân loại, thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, có tiềm năng, lợi thế to lớn, cần được phát huy cao hơn nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Do vậy, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2050, đưa vùng ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Chiến lược mới, tầm nhìn mới

Quy hoạch vùng ĐBSCL định hướng rõ mục tiêu đưa ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Đến năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 - 2,5 lần so thời điểm quy hoạch.

Chiến lược đầu tư phát triển vùng ĐBSCL phải theo định hướng thuận thiên, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài (ODA) đạt 60.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng ODA cả nước (giai đoạn 2016 - 2020 chỉ chiếm 7,66%).

Cộng chung với vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số bộ để triển khai các công trình, dự án trong vùng (khoảng 140.000 tỷ đồng), tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 460.000 tỷ đồng.

Nhờ nguồn lực đầu tư này, hàng loạt dự án lớn mang tính dẫn dắt, tạo động lực tăng trưởng cho vùng được triển khai, như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn...

Giao thông đi trước mở đường tạo thời cơ, vận hội mới cho ĐBSCL tăng tốc phát triển, nhất là khai thác hiệu quả lợi thế nông nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ cần ban hành chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đặc thù, trong đó ưu đãi đặc biệt cho người trồng lúa nhằm ổn định vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước; triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhằm phát triển nền kinh tế nông nghiệp thuận thiên, bền vững.

Cùng với tập trung triển khai hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, các địa phương trong vùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được chuyển đổi linh hoạt phần diện tích quy hoạch đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản... với định mức ở vùng ĐBSCL cao hơn ít nhất 30% so với trung bình của cả nước. Từ đó, nông dân ưu tiên theo hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo, thay vì phụ thuộc chính vào cây lúa

 

NGÔ CHUẨN