Thế giới đã ghi nhận trên 396,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

08/02/2022 - 07:58

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 396.596.256 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.760.642 ca tử vong. Tổng số ca bình phục đến nay là 315.336.753, trong khi có 91.191 ca đang phải điều trị tích cực.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở bang Amazon, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện có trên 135,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.638.777 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện là trên 104,5 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai về số ca tử vong, với 1.341.740 ca.

Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, hiện là trên 78 triệu ca nhiễm và 926.029 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với trên 42,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 502.905 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 26,5 triệu ca nhiễm.

Đáng chú ý, Brazil ngày 7/2 phát hiện 5 ca nhiễm biến thể “Omicron tàng hình”, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Biến thể BA.2 được cho là có khả năng “tàng hình” tốt hơn so với biến thể Omicron gốc vì có những đặc điểm di truyền đặc biệt khiến nó khó bị theo dõi. Một số nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 cũng có thể dễ lây lan hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể này, trong đó có câu hỏi liệu nó có né tránh vaccine tốt hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tiếp tục chính sách quét sạch COVID-19 trong cộng đồng (Zero-COVID), Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc, thuộc khu vực Quảng Tây, sau khi ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 6/2. Giới chức thành phố Bách Sắc đã yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 7/2 và tránh đi lại không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Thành phố này cũng tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông công cộng, đóng cửa trường học và tạm hoãn mở cửa trở lại các cửa khẩu dọc biên giới. Các nhân viên trong những ngành thiết yếu ở Bách Sắc cần phải có giấy thông hành mới được di chuyển trong nội thành.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tình hình lây lan dịch bệnh tại Nga đang có dấu hiệu giảm. Nước này ghi nhận 171.905 ca nhiễm mới, lần đầu tiên giảm kể từ ngày 10/1. Biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 84 trong tổng số 85 tỉnh trên cả nước. 

Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ cũng như người dân nước này có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 do biến thể Omicron gây ra vào cuối tháng 2 này. Ông kêu gọi công chúng bình tĩnh, duy trì cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các quy định y tế, đặc biệt là ở những khu vực có số ca lây nhiễm gia tăng đột biến. Ông cho biết tình hình vẫn đang được kiểm soát tại các cơ sở điều trị COVID-19.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin cho biết nước này đang trong giai đoạn lây nhiễm biến thể Omicron, song tình trạng lây nhiễm sẽ không nghiêm trọng như làn sóng biến thể Delta diễn ra hồi năm ngoái. Kể từ ngày 6/2, số ca mắc mới ở Malaysia đã tăng đáng kể, lên trên 11.000 ca và ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới trên 10.000 ca. Tuy nhiên, đa số các ca nhiễm mới đều ở mức độ 1 và 2 (mức độ nhẹ nhất trong thang phân loại gồm 5 mức, trong đó mức 5 được đánh giá là mức độ nguy hiểm). Ông Khairy nhấn mạnh Malaysia đã kiểm soát được số ca nhiễm nghiêm trọng nhờ vào việc tiêm vaccine bao phủ nhanh chóng.

Trong nỗ lực sống chung an toàn với COVID-19, Australia thông báo chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực kể từ ngày 21/2, với điều kiện những người này tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Những người chưa được tiêm vaccine phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm vì lý do y tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cho phép trường học tự quyết định hình thức học, tiếp tục học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Tuy nhiên, mỗi trường học sẽ được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn theo kế hoạch mới nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% phải tự cách ly do nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Các trường học cũng sẽ được yêu cầu phát hiện các ca nhiễm và tiến hành truy vết trong nhà trường bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm PCR di động. Các trường cấp trên tiểu học sẽ được cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho 20% số học sinh, trong khi tỷ lệ này dành cho các trường mẫu giáo và tiểu học là 30%. Các trường đại học cũng sẽ được khuyến cáo tiếp tục học trực tiếp trong học kỳ mới và chuẩn bị một kế hoạch dự phòng 2 giai đoạn để chuyển sang học từ xa trong trường hợp cần thiết.    

Nhằm bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, Ủy ban Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 đã hối thúc người dân đưa con và các thành viên khác trong gia đình đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Tại Thái Lan, Thủ tướng nước này cũng kêu gọi đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Số liệu của Chính phủ Thái Lan cho thấy số ca mắc COVID-19 trong nhóm này là 123.403 ca từ tháng 4 - 12/2021 (trung bình 13.711 ca mỗi tháng), trong khi số ca mắc từ tháng 1 đến ngày 2/2/2022 là 10.266 ca.

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID -19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, Nhật Bản chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào đầu tháng 3 tới. Một số địa phương đang lên kế hoạch lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn song song với việc tiêm chủng ở các bệnh viện. Vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi sẽ khác với loại vaccine được sử dụng để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên về liều lượng, thời hạn bảo quản và khoảng cách giữa hai mũi tiêm (tối thiểu 3 tuần).

Trong một diễn biến liên quan khác, một nhóm chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản vừa đề xuất khuyến khích trẻ em ở trường mẫu giáo đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh trong đối tượng này.

Theo BÍCH LIÊN (TTXVN)