Thế giới hơn 211 triệu ca nhiễm Covid-19, nhiều nước gia hạn phong tỏa

21/08/2021 - 09:20

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 21-8 (giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 211,4 triệu người, hơn 4,4 triệu ca tử vong.

Tuy nhiên, hơn 189,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh gần 89,5%.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một học sinh mới trở lại trường học ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 12/8. Ảnh: Reuters

Mỹ có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gần 38,4 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 644.274 trường hợp không qua khỏi. Sự tấn công của biến thể Delta cùng với sự chững lại của chiến dịch tiêm chủng được tin là nguyên nhân khiến số ca mắc mới ở xứ sở cờ hoa đang tăng lên, với trung bình hơn 140.000 ca/ngày, tương đương 57% mức kỷ lục ghi nhận hôm 8-1.

Sau một thời gian, Mỹ đã quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với 146.142 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó 1.052 bệnh nhân đã tử vong.

Theo Reuters, nước này đã tiêm được hơn 359,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó 60% dân số đã nhận mũi tiêm đầu tiên và 51% được tiêm đủ liều.

New Zealand kéo dài phong tỏa toàn quốc

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 20/8 đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày để đối phó với đợt dịch mới bùng phát do biến thể Delta gây ra ở ngoại ô Auckland, thành phố lớn nhất cả nước. Động thái đồng nghĩa, các biện pháp hạn chế phòng chống dịch cấp độ cao nhất sẽ có hiệu lực tới ngày 24/8.

Theo CNN, New Zealand bắt đầu áp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/8 sau khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng kể từ tháng 2. Cho đến nay, số ca mắc đã lên tới 30 người.

Chính phủ New Zealand đang theo đuổi chiến lược "không Covid-19". Nước này được ca ngợi về thành tích chống dịch hiệu quả khi chỉ ghi nhận hơn 2.900 ca bệnh và 26 trường hợp tử vong trên tổng số 5 triệu dân.

Người dân New Zealand từng không bị buộc phải ở nhà trong một năm qua và cuộc sống gần như trở lại bình thường, không bị hạn chế tập trung đông người. Song, chiến dịch chủng ngừa tại nước này vẫn còn chậm khi mới có khoảng 20% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Australia gia hạn lệnh phong tỏa ở bang New South Wales

Reuters đưa tin, chính quyền bang New South Wales, Australia thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa Sydney và các vùng lận cận đến hết tháng 9 sau khi thành phố lớn nhất cả nước ghi nhận 644 ca mắc mới và 4 trường hợp tử vong vì dịch trong vòng 24 giờ qua. Theo sắc lệnh mới, kể từ ngày 23/8, bất kỳ ai khi ra khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục, đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Tại Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, nhà chức trách hôm 20-8 ghi nhận thêm 61 ca mắc mới trong cộng đồng. Thành phố Melbourne, thủ phủ bang Victoria đã bước vào đợt phong tỏa thứ 6 kể từ ngày 5-8 nhằm chống lại diễn biến dịch phức tạp.

Kể từ đầu dịch đến nay, xứ sở chuột túi ghi nhận tổng cộng hơn 42.229 ca mắc, trong đó 976 bệnh nhân không qua khỏi.

Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) của Australia vừa cấp phép sử dụng thuốc kháng thể Sotrovimab trong điều trị Covid-19. Theo thông tin từ cơ quan quản lý, loại thuốc này có thể giảm tới 79% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở các ca bệnh từ nhẹ đến trung bình.

Sotrovimab được truyền qua tĩnh mạch và dự kiến được dùng để điều trị cho người từ 55 tuổi trở lên nhiễm SARS-CoV-2 và đang mắc một trong số các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, bệnh thận mãn tính, suy tim, bệnh phổi và hen suyễn từ trung bình đến nặng.

Ấn Độ phê duyệt vắc xin ADN đầu tiên thế giới

Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ hôm 20-8 đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Zydus Cadila, vắc xin ADN phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới do nước này phát triển.

Theo nhà chức trách, vắc xin Zydus Cadila có liệu trình tiêm 3 liều, có thể sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành. Đây là vắc xin thứ 6 được Ấn Độ cấp phép lưu hành sau AstraZeneca, Moderna, Johnson&Johnson, Covaxin của hãng dược phẩm trong nước Bharat Biotech và Sputnik V của Nga.

Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân đủ điều kiện vào tháng 12 năm nay. Báo New York Times thống kê, đến hiện tại, nước này đã tiêm được gần 566,6 triệu liều vắc xin, trong đó 32% dân số được chủng ngừa liều đầu tiên và chỉ 9,2% được tiêm đủ liều.

Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ cần thúc đẩy việc tự sản xuất vắc xin Covid-19 để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng quốc gia.

Theo Vietnamnet