Nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Caltech) và Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (Mỹ) vừa tìm ra các bằng chứng về dòng chảy ở đại dương ngầm của mặt trăng Enceladus, một trong các vệ tinh tự nhiên to lớn của Sao Thổ và là nơi NASA tin rằng có sự sống từ nhiều năm nay.
Đại dương ở 2 cực ở Enceladus có thể sâu hơn, ấm hơn và được trao đổi nhiệt, chất dinh dưỡng liên tục bởi dòng hải lưu tương tự như ở Trái Đất - Ảnh: NASA/JPL-CALTECH
Từ dữ liệu của tàu thăm dò Sao Thổ Cassini của NASA, Enceladus được cho là sở hữu một đại dương ngầm sâu ít nhất 30 km, được làm lạnh ở vùng nước trên cùng bởi vỏ băng và làm ấm ở dưới đáy nhờ nhiệt của lõi hành tinh.
Tờ Sci-News trích dẫn lời của giáo sư Andrew Thompson, nhà nghiên cứu tại Phòng Khoa học địa chất hành tinh ở Caltech: "Các phép đo hấp dẫn và tính toán nhiệt từ ở Cassini tiết lộ rằng vỏ băng mỏng hơn ở 2 cực so với xích đạo. Các khu vực băng mỏng thể hiện sự tan chảy, trong khi hiện tượng đóng băng mạnh mẽ hơn ở nơi băng dày. Ở vùng đóng băng, nước mặn đóng băng sẽ giải phóng muối và làm cho nước lỏng mặn hơn, nặng hơn và chìm xuống; trong khi một cơ chế ngược lại xảy ra ở vùng tan chảy. Điều này khiến nước luân chuyển nhịp nhàng và tạo ra dòng hải lưu".
Theo Science Alert, dòng hải lưu - thứ tưởng chừng chỉ Trái Đất mới có - là một yếu tố rất quan trọng giúp gia tăng tính sống được của hành tinh, có thể giúp phân bố nhiệt và chất dinh dưỡng một cách phù hợp cũng như góp phần làm đại dương ngầm dưới băng này ấm áp hơn. Đối với các nhà khoa học, tìm hiểu về dòng hải lưu sẽ giúp định vị những khu vực phù hợp nhất cho sự sống trên thiên thể hấp dẫn này, từ đó định hướng cho sứ mệnh khám phá trực tiếp mà NASA đã dự định.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.
Theo ANH THƯ (Người lao động)