Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 24-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26-11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 60.658.976 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.425.202 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 41.883.598 người, 17.346.408 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 103.611 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (150.775 ca), Brazil (45.157 ca) và Ấn Độ (44.699 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.008 ca), tiếp theo là Italy (722 ca) và Ba Lan (674 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 267.930 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 13.107.834 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 135.261 ca tử vong trong số 9.266.697 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 170.769 ca tử vong trong số 6.166.606 bệnh nhân.
Mỹ: Ông Joe Biden kêu gọi đoàn kết đối phó đại dịch COVID-19
Ngày 25-11, ông Joe Biden, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, đã có bài phát biểu nhân dịp Lễ Tạ ơn, tập trung vào đại dịch COVID-19, cũng như đề cập tới các biện pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu tại quê nhà Wilmington, ông Biden cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng những bất đồng chính trị tại Mỹ. Ông nói: "Nó đã chia rẽ chúng ta, khiến chúng ta tức giận. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chúng ta đang trong cuộc chiến với một loại virus, không phải là cuộc chiến lẫn nhau. Tôi tin rằng bầu không khí về chia rẽ hay u ám sẽ sớm bị xua tan bởi ánh sáng và sự đoàn kết".
Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết rằng "ngay ngày đầu tiên đảm nhận cương vị Tổng thống Mỹ, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để thay đổi tình trạng dịch bệnh hiện nay", cũng như hối thúc người dân Mỹ tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe. Ông nhấn mạnh: "Tôi biết chúng ta có thể đánh bại virus. Nước Mỹ sẽ không thua trong cuộc chiến này. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường".
Châu Âu: Nguy cơ làn sóng dịch thứ ba
Các nước châu Âu không nên nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh quá nhanh. Đây là khuyến cáo được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra ngày 25-11. Phát biểu trước các nghị sĩ EU, bà von der Leyen cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau dịp Giáng sinh. Bà cho biết thực tế một số nước châu Âu đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, trong đó có yêu cầu ở nhà, khi các dịp lễ cuối năm tới gần. Tuy nhiên, Chủ tịch EC cho rằng cần rút ra bài học từ mùa Hè, và không nên lặp lại các sai lầm của việc nới lỏng các hạn chế quá nhanh.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo các cửa hàng có thể mở cửa trở lại vào ngày 28-11 này và nước này có thể dỡ bỏ yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 15-12, mặc dù lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ được áp dụng lại. Tại Đức, lãnh đạo 16 bang của nước này cũng nhất trí về hướng dẫn phòng dịch trong dịp Giáng sinh, theo đó nới lỏng một số hạn chế cho đến hết tháng 12, dù số ca nhiễm tại nước này đã gần chạm mốc 1 triệu người. Lãnh đạo các bang của Đức cũng nhất trí số người được phép tụ tập tối đa trong khoảng thời gian từ ngày 23-12 đến ngày 1/1/2021 là 10 người.
Đức kéo dài phong tỏa có giới hạn
Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang ngày 25-11 đã thống nhất tại cuộc họp trực tuyến về việc kéo dài lệnh phong tỏa có giới hạn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, với những biện pháp, quy định thắt chặt hơn như các cuộc gặp gỡ riêng tư với bạn bè, người thân và người quen được hạn chế nghiêm ngặt hơn, yêu cầu thắt chặt hơn đối với các doanh nghiệp lớn và khuyến cáo tránh đốt pháo hoa vào đêm Giao thừa. Bản quy định tổng thể đang chờ xác nhận từ chính phủ liên bang.
Đầu tháng 11, chính phủ Đức đã áp dụng trên toàn quốc lệnh phong tỏa có giới hạn đến cuối tháng 11, theo đó, các nhà hàng, cơ sở giải trí và văn hóa hầu hết đã đóng cửa.
Về diễn biến dịch, ngày 25-11 Đức ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi nước này xuất hiện ca đầu tiên. Với 20.825 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức hiện là 983.731. Số ca tử vong là 15.3381 ca, trong đó có 416 ca mới.
Ba Lan: Ca tử vong mới cao nhất
Trong khi đó, Ba Lan thông báo đã ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất với 674 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua, trong khi số ca nhiễm mới cũng vượt 15.000 người. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận 924.422 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.988 trường hợp tử vong. Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Ba Lan cho biết sẽ mở cửa các đường trượt tuyết, dù chỉ dành cho người dân, cũng như cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trở lại vào dịp Giáng sinh.
Anh: Cuối tháng 12 mới nới lỏng hạn chế tiếp xúc xã hội
Tại Anh, chính quyền tất cả 4 vùng thuộc Vương quốc Anh, gồm England, Scotland, Wales và Bắc Ireland đã ra tuyên bố chung cho biết các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội và đi lại nhằm chống dịch COVID-19 sẽ được nới lỏng trên toàn vương quốc từ ngày 23-27-12, theo đó cho phép tối đa 3 hộ gia đình có thể tụ họp cùng đón Giáng sinh. Anh hiện là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu, với hơn 1,5 triệu ca mắc, trong đó có hơn 55.800 ca tử vong.
Séc: Xét nghiệm kháng nguyên COVID miễn phí toàn dân
Ngày 25-11, Bộ trưởng Y tế CH Séc Jan Blatny cho biết nước này sẽ bắt đầu xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân có nhu cầu từ ngày 18-12.
Séc là một trong những quốc gia tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nước này cũng dự định nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, vốn được áp dụng trong những tuần qua.
Nhà chức trách cho biết nếu tình hình dịch bệnh tại nước này tiếp tục tạm lắng, các nhà hàng, trường học và cửa hàng có thể mở cửa trở lại vào tuần tới. Dự kiến, Chính phủ Séc sẽ họp vào ngày 29-11 để đưa ra quyết định về việc có nới lỏng thêm các hạn chế hay không.
Bulgaria: Siết chặt hơn chống dịch
Trái ngược với Ba Lan, ngày 25-11, Chính phủ Bulgaria thông báo áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó có đóng cửa các nhà hàng và trường học. Theo đó, các quán cà phê, nhà hàng, sòng bạc, phòng tập thể thao và trung tâm mua sắm đều phải đóng cửa. Các trường đại học và trường học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy hoàn toàn trực tuyến, trong khi các trường mẫu giáo cũng sẽ đóng cửa. Tính tới ngày 25-11, Bulgaria có tổng cộng 129.348 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.226 ca tử vong.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cùng ngày tuyên bố nước này phải duy trì các biện pháp hạn chế chống dịch hiện hành và sẽ cần ít nhất 3 tuần để tính tới việc dỡ bỏ các biện pháp này. Trong khi đó, Chính phủ sắp mãn nhiệm Lítva đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cho tới ngày 17-12, khi chính phủ mới dự kiến tiếp quản, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo các nước châu Âu không nên nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh quá nhanh.
Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản diễn biến phức tạp
Hàn Quốc cùng ngày công bố thêm 382 ca mắc mới COVID-19, trong đó 363 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 31.745 ca. Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh trong khi kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc đang đến gần, Thủ tướng Chung Sye-kyun đã kêu gọi Liên hiệp công đoàn Hàn Quốc ngay lập tức hủy kế hoạch đình công trên toàn quốc dự kiến diễn ra ngày 25-11.
Còn tại Nhật Bản, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại thủ đô Tokyo đã khiến chính quyền thành phố một lần nữa yêu cầu các nhà hàng rút ngắn thời gian hoạt động trong khoảng 3 tuần, kể từ cuối tuần này. Thống đốc Koike nêu rõ sẽ áp dụng yêu cầu trên đối với các nhà hàng ở hầu khắp thủ đô Tokyo từ ngày 27-11 đến ngày 17-12 tới. Chính quyền Tokyo sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 400.000 yen (tương đương 3.800 USD) cho các nhà hàng thực hiện yêu cầu này.
Tháng 8 vừa qua, chính quyền thành phố cũng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại và địa điểm karaoke phải đóng cửa trước 10 giờ tối và hỗ trợ 200.000 yen cho các cơ sở tuân thủ quy định này. Khoản tiền này sau đó được tăng thêm 150.000 yen trong tháng tiếp theo.
Ba nước Đông Nam Á nước Indonesia, Malaysia và Philippines tiếp tục là "điểm nóng" dịch COVID-19 ở khu vực khi tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới.
Thái Lan đặt mua trước vaccine của AstraZeneca
Tại Thái Lan, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) thông báo sẽ ký hợp đồng đặt mua trước vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của nhà sản xuất Anh-Thụy Điển AstraZeneca trong buổi lễ do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì vào ngày 27-11 tới.
Trước đó, Nội các Thái Lan hôm 17-11 đã thông qua việc chi hơn 6 tỉ baht (khoảng 200 triệu USD) cho chương trình mua sắm này. Hợp đồng sẽ bao gồm việc sản xuất vaccine ở Thái Lan tại nhà máy của Tập đoàn Siam Bioscience, kể cả việc chuyển giao công nghệ sản xuất. Theo hợp đồng, Thái Lan sẽ đặt mua 26 triệu liều vaccine, đủ cho 13 triệu người.
Philippines: Thêm trên 1.200 ca nhiễm mới
Bộ Y tế Philippines báo cáo có 1.202 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 25-11, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 422.915 trường hợp. Trong đó thành phố Davao là điểm nóng lây nhiễm, với 137 ca mới; tiếp theo là Quezon với 68 ca, Batangas -59...
Tổ chức nghiên cứu OCTA trước đó dự đoán số ca bệnh tại Philippines có thể lên tới 425.000-440.000 vào giữa tháng 11.
Chính phủ Malaysia có thể đề nghị Quốc vương tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Tờ The Star cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ cân nhắc tham mưu cho Quốc vương về ban bố tình trạng khẩn cấp tại các thành phố Gerik, bang Perak và Bugay, bang Sabah, nhằm trì hoãn cuộc bầu cử tại hai điểm nóng COVID-19 này.
Ngày 25-11, Malaysia ghi nhận 970 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 59.817, vượt qua Singapore với 58.190 ca. Trong số đó có 345 ca tử vong và 46501 người đã khỏi bệnh.
Indonesia đàm phán sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với Pfizer
Chính phủ Indonesia và Chính phủ Mỹ đang đàm phán thiết lập quan hệ đối tác giữa công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma và công ty Pfizer Inc của Mỹ nhằm phát triển vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, hôm 9-11, Pfizer thông báo rằng kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 mà hãng phát triển cùng đối tác BioNTech SE của Đức đạt hiệu quả hơn 90%. Hai hãng ngày 20-11 đã xác nhận việc nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Tính đến hết ngày 25-11, Indonesia đã ghi nhận hơn 511.836 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16.225 ca tử vong, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về cả hai con số này.
Singapore: Không có ca nhiễm địa phương trong 15 ngày
Tờ Straits Times cho biết, trong ngày 25-11, Singapore ghi nhận 7 ca nhiễm mới đều là các trường hợp nhập cảnh. Như vậy, trong 15 ngày liên tiếp vừa qua Singapore không ghi nhận ca nhiễm mới nào ở trong nước. Đây là khoảng thời gian dài nhất không có lây nhiễm cộng đồng tại Singapore kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên vào ngày 23-1.
Tính đến hết ngày 25-11, Singapore ghi nhận tổng cộng 58.190 ca COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong và 58.079 người đã hồi phục.
Trung Đông: Iran lại ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới
Tại Trung Đông, số ca mắc mới COVID-19 tại Iran tiếp tục đạt mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày khi Bộ Y tế nước này thông báo thêm 13.843 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 894.385 ca. Số ca tử vong tại Iran cũng tăng thêm 469 ca trong 24 giờ qua lên mức 46.207 ca.
Diễn biến phát triển vaccine COVID-19
Liên quan đến vấn đề vaccine, với những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vaccine phòng COVID-19, chính phủ các nước Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine này từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Tại Thái Lan, người dân nước này sẽ được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sớm nhất là vào giữa năm 2021. Đây là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh và Đại học Oxford phát triển. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo người dân nước này có thể được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên sớm nhất là vào năm 2021. Đến nay, quốc gia với 38 triệu dân này đã ký hợp đồng với một số công ty dược phẩm, trong đó có AstraZeneca, Pfizer và BioNTech, Sanofi và GSK, để mua hơn 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Còn tại Mexico, chính phủ nước này cho biết đã đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân vào tháng 12 tới. Chính phủ Mexico đã ký các thỏa thuận mua vaccine của một số công ty dược phẩm lớn trên thế giới, trong đó có Pfizer. Hãng dược phẩm của Mỹ này vừa phối hợp với hãng BioNTech (Đức) nộp đơn lên cơ quan chức năng Mỹ xin cấp phép cho vaccine của 2 hãng.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)