Thế giới trước nỗi lo bùng phát dịch cúm gia cầm trên người

13/04/2024 - 19:46

Không giống như virus corona, virus cúm H5N1 đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự lây lan gần đây của bệnh cúm gia cầm ở các loài động vật có vú đã làm dấy lên lo ngại rằng loại virus này có thể là mối đe dọa lây nhiễm tiếp theo đối với con người sau COVID-19.

Không chỉ lây lan ở động vật, cúm gia cầm còn có thể lây bệnh sang người. (Ảnh minh họa: The New York Times)

Trong bài viết đăng trên tờ The New York Times ngày 5/4/2024, tác giả đã đưa ra dẫn chứng về việc “dấy lên lo ngại” khi thời gian qua dịch cúm gia cầm bùng phát ở bò sữa tại nhiều bang của Hoa Kỳ và ít nhất có một trường hợp mắc cúm gia cầm ở người tại bang Texas.

Bài báo cho biết, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) và các cơ quan khác ở Hoa Kỳ cũng như các nơi khác đã theo dõi H5N1 trong nhiều năm để nắm bắt sự tiến triển của nó. Mặc dù có khả năng gây bệnh nặng và tử vong ở người, nhưng cho đến nay, mới chỉ ghi nhận trường hợp người mắc bệnh từ động vật nhiễm bệnh chứ chưa ghi nhận trường hợp nào lây bệnh từ người khác.

Trước đó, tờ New York Post số ra ngày 4/4 cũng dẫn báo cáo của các chuyên gia cảnh báo khả năng xảy ra đại dịch cúm gia cầm có thể tồi tệ gấp 100 lần so với dịch COVID-19, sau khi xuất hiện trường hợp mắc cúm gia cầm ở người tại bang Texas (Mỹ).

Bài báo cho biết, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra một đại dịch mới về chủng cúm gia cầm H5N1. Theo các nhà khoa học, virus này đang tiến gần đến điểm bùng phát và có thể gây ra đại dịch toàn cầu.

Tiến sĩ Suresh Kuchipudi, một chuyên gia nổi tiếng về cúm gia cầm ở Pittsburgh (Hoa Kỳ), đã cảnh báo trong một cuộc họp báo gần đây rằng vì cúm H5N1 có thể lây nhiễm sang nhiều loại động vật có vú, bao gồm cả con người. “Chúng ta đang tiến gần đến mức nguy hiểm với loại virus có khả năng gây ra đại dịch”, ông nói.

Bản thân cúm gia cầm đã là một đại dịch của động vật

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, từ tháng 10/2021 đến đầu năm 2023, cả thế giới ghi nhận 42 triệu trường hợp cúm gia cầm ở cả gia cầm và chim hoang dã. 15 triệu cá thể gia cầm chết vì nhiễm bệnh và 193 triệu con bị tiêu hủy. Theo nhiều chuyên gia, bản thân cúm gia cầm đã là một đại dịch của động vật. Cúm gia cầm là loại bệnh chủ yếu ở các loài chim, bùng phát vào thời điểm mùa thu và giảm dần vào mùa xuân và hạ. Theo Giáo sư Paul Digard tại Đại học Edinburgh, cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên ở vịt tại châu Âu và châu Á từ thế kỷ trước, sau đó lây sang chim. Chủng được quan tâm hàng đầu hiện nay là H5N1, được báo cáo lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1996.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có gần 1.300 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có khoảng 887 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu từ tháng 1/2003 đến 26/2/2024. Trong số này có 462 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 52%. Phần lớn các trường hợp ở người được phát hiện nhiễm bệnh từng tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết, hoặc tới các chợ gia cầm sống hoặc tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở số người nhiễm COVID-19 hiện chỉ là 0,1%, dù tại thời điểm bùng phát đại dịch, tỷ lệ tử vong là khoảng 20%.

Thời gian qua, châu Á tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng vi rút cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.

Tại Việt Nam, sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, từ năm 2022 đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong vào ngày 23/3/2024. Tiếp đó, vào ngày 6/4/2024, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên từ trước đến nay.

Cho đến nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp virus cúm gia cầm lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, những virus này tiếp tục phát triển trên toàn cầu và với việc các loài chim hoang dã di cư, có thể xuất hiện các chủng virus mới mang các đột biến tiềm tàng, gây hại cho động vật có vú.

Mới đây, Cơ quan An toàn Thực phẩm của Liên minh châu Âu (EFSA) cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch cúm gia cầm trên diện rộng nếu virus này lây lan ở người do con người thiếu khả năng miễn dịch với chủng này.

Trước đó, Hoa Kỳ đã thử nghiệm và đã bào chế được 2 loại vaccine được cho là ứng cử viên phù hợp để phòng ngừa H5N1. Tuy nhiên bệnh cúm gia cầm trên người vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Do vậy, để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo./.

Theo SONG ANH (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)