Thế và lực mới cho ĐBSCL

13/02/2023 - 07:55

 - Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì được kỳ vọng sẽ nâng vị thế và giá trị nông nghiệp vùng đất “Chín Rồng”. Trong khi đó, “điểm nghẽn” giao thông đang được Chính phủ tập trung tháo gỡ, tạo động lực lớn để ĐBSCL vươn mình phát triển.

Kỳ vọng giao thông

Sau khi “khai Xuân” bằng việc kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, nhất là vấn đề nguồn vật liệu cát cho các dự án. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực UBND của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Đồng Tháp.

Buổi làm việc thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang kết nối các tỉnh ĐBSCL với nhau và kết nối với các vùng kinh tế động lực của cả nước, đặc biệt là miền Đông Nam Bộ và đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245km; cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km.

Đối với 3 tuyến cao tốc trục ngang có tổng chiều dài khoảng 591km, gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km; cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188km. Tổng chiều dài của 6 tuyến cao tốc khoảng 1.166km, quy mô từ 4-6 làn xe, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km cao tốc, gồm các đoạn: Bến Lức - Trung Lương (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51km). Trong đó, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún (Bộ GTVT đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc).

Hiện nay, còn 8 dự án đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026, với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2026, ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Tăng trách nhiệm địa phương

Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long ưu tiên nguồn vật liệu cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ trong tháng 2/2023 để có thể khai thác, cung cấp phục vụ thi công.

Thông tin với Thủ tướng và các bộ, ngành, Trung ương, đại diện tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chủ động hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu (theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo quy định hiện hành), các mỏ đá vùng Bảy Núi.

Nguồn vật liệu cát, đá không chỉ đáp ứng cho các công trình trọng điểm trên địa bàn An Giang (cầu Châu Đốc và tuyến kết nối Đồng Tháp - Kiên Giang; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua An Giang…) mà còn phục vụ cho các công trình quan trọng của vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 làm thay đổi hệ thống giao thông tại ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.

Thủ tướng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án nhưng cũng là vấn đề nan giải nhất với các dự án hạ tầng chiến lược. Do vậy, Thủ tướng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL làm trưởng ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, tăng cường đối thoại, giải thích khi có vướng mắc.

Đặc biệt, cần quan tâm sinh kế người dân, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí... tại các khu tái định cư, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đây là cơ hội để tiến hành tái cơ cấu các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Cùng với tháo “điểm nghẽn” giao thông, vùng ĐBSCL cũng đang được quan tâm đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập của nông dân. Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Để hoàn thiện các nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia ý kiến để hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất quy mô diện tích và dự kiến địa bàn tham gia đề án để cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh, trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong tháng 2/2023. Sau đó, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai thực hiện. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, nâng vị thế ngành hàng lúa gạo và nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ cho ĐBSCL phát triển bền vững là trách nhiệm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.

NGÔ CHUẨN