Thi THPT quốc gia trên máy tính: Kiểm soát tiêu cực, gian lận thế nào?

26/09/2019 - 19:54

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo các phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm phương án thi THPT quốc gia trên máy tính.

Cùng với việc phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng kỹ thuật, ngân hàng đề thi, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về cách thức kiểm soát tiêu cực, gian lận như thế nào khi thực hiện hình thức thi này.

Cô Nguyễn Lam Thủy, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Việc thi trên máy tính giống khảo sát năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Cách thi này đòi hỏi học sinh học đều, không chỉ tập trung môn thi và khối thi như hiện nay.

Xét về mục tiêu giáo dục, việc thi trên máy tính tránh được học lệch, học tủ, các em phải học rộng, đều. Tuy nhiên, việc thay đổi này ít nhiều tác động đến việc dạy và học hiện tại, đặc biệt là sắp tới đây, từ năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông GDPT mới theo lộ trình.

“Thực tế cho thấy, với cách thi trắc nghiệm như hiện nay, học sinh phải tự tổng hợp kiến thức, nhà trường xây dựng được ngân hàng câu hỏi đánh giá tổng hợp, tức là thiên về giáo dục toàn diện. Trong khi đó, chương trình GDPT mới sắp được áp dụng lại theo định hướng phát triển cá nhân. Do vậy, nếu đổi mới thi chuyển từ trắc nghiệm trên giấy sang máy tính liệu có phù hợp với mục tiêu dạy và học theo chương trình mới?”-Cô Thủy bày tỏ băn khoăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi trên máy tính cần được thí điểm trước khi nhân rộng.

Thầy Hoàng Thiên Nam, trường THPT Đinh Tiên Hoàng-Hà Nội cũng ủng hộ cách thi trên máy tính được tiến hành thành nhiều đợt trong năm để học sinh ôn luyện và dự thi khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, thầy Nam cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần làm rõ những luận cứ về khoa học như lý do đưa ra hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, cách thức thi như thế nào phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và mục đích của kỳ thi.

Việc chuẩn bị điều kiện, nhân lực, chế tài cũng cần chú ý để nhận được sự đồng thuận của xã hội. Đặc biệt, chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai phương án theo hình thức đại trà.

  Theo ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội, điều quan trọng nhất vẫn là phải xác định được mục tiêu của kỳ thi là để xét tốt nghiệp hay kết hợp cả tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Khi đã xác định rõ được mục tiêu thì mới bàn đến chuyên môn và cách thức tổ chức kỳ thi.

“Chương trình phổ thông mới dù chưa thực thi nhưng hướng tới mục tiêu là phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, nếu vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm bằng cách chọn các phương án A, B, C, D thì sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển năng lực. Đó là chưa kể đến một số tình huống rủi ro có thể xảy ra như thi trên máy tính mà bị hacker thì sao? Thi trên giấy, đáp án tô màu rõ ràng vẫn có thể tẩy xóa. Thi trên máy không có dấu vết gì, kiểm soát gian lận sẽ thế nào?”- ông Đạt đặt câu hỏi.Top of FormBottom of Form

Khẳng định việc đưa công nghệ vào kỳ thi là cần thiết và không thể chậm trễ, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Cho dù kỳ thi những năm trước đã tốt, nhưng nếu từ năm 2021 vẫn thi như hiện nay sẽ lạc hậu.

Theo GS Phạm Tất Dong, giáo dục số hóa, mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức chắc chắn hơn, thi xong đã chấm xong rồi. Một hệ thống giáo dục kỹ thuật số, nhà trường thông minh không chấp nhận cách thi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ. Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra.

“Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc”- GS Phạm Tất Dong nói.

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, người sáng lập hệ thống Bigshool cho biết: Việc tiến tới thi trên máy tính là xu hướng phù hợp. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc chuẩn bị tốt ngân hàng đề thi, cơ sở hạ tầng, cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để các công ty, tổ chức có thể hỗ trợ Bộ GD&ĐT đưa công nghệ vào đánh giá; đảm bảo một năm có thể tổ chức được thành nhiều đợt thi ngay tại các địa phương.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia và phát triển nhân lực cũng ủng hộ phương án cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cho tất cả học sinh học xong lớp 12, chỉ tiến hành tổ chức thi THPT để cấp bằng đối với một số học có nhu cầu và xây dựng lộ trình thi THPT quốc gia trên máy tính. Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý khi thực hiện phải tính toán đến sự chênh lệch giữa các vùng miền để có lộ trình hợp lý.

“Khi xây dựng phương án lộ trình đến năm 2025, cần lưu ý đến ngân hàng đề thi, hạ tầng công nghệ, cố gắng huy động các nguồn lực xã hội, các công ty công nghệ lớn. Phải khởi sự từ năm 2022, từng bước một, duy trì cả trên giấy và trên máy, thí điểm từng vùng để đến năm 2023-2024 có thể làm rộng ra và đến năm 2025 làm toàn quốc”- ông Lợi nêu ý kiến.

Theo HUYÊN THANH (Công an nhân dân)

 

Liên kết hữu ích