Thị trường bất động sản cuối năm

09/12/2022 - 04:46

 - “Thị trường nhà đất kém sôi động như năm trước”, “Giới thiệu nhà đất cho rất nhiều lượt khách, nhưng khả năng giao dịch thành công rất hiếm hoi”, “Khách chỉ mua nhà ở phân khúc thấp”… Đó là những nhận định của giới kinh doanh bất động sản về thị trường nhà đất ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) những tháng cuối năm.

Giao dịch kém, nền đất bỏ hoang

Khác hẳn những tháng cùng kỳ năm 2021, lượng khách giao dịch mua bán nhà đất những tháng cuối năm 2022 giảm hẳn. Những người môi giới bất động sản cho hay, năm trước, khi họ đăng tin sản phẩm nhà đất lên các trang mạng thì đều có khách điện thoại hỏi về thông tin, sắp xếp lịch hẹn để đi xem. Hiện tại, chỉ bán mỗi căn nhà giá chưa tới 2 tỷ đồng mà vẫn khó kiếm khách.

Anh Trần Trung Hiếu (một người làm môi giới tự do được 5 năm) cho biết: “Khách hàng mua nhà đất có 2 nhóm, một là nhóm khách có nhu cầu mua ở thật sự; còn nhóm thứ hai là do có tiền nhàn rỗi, với mong muốn mua nhà đất đầu tư sinh lợi. Trước đây, khi giá nhà đất còn bình ổn, lượng khách ở 2 nhóm giao dịch đều đều. Thế nhưng, từ khi có giới hạn siết “room” tín dụng, người có nhu cầu vay mua nhà ở và người vay thêm để làm đòn bẩy kinh doanh, không thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, mọi giao dịch trở nên ngưng trệ”.

Là người bán hàng có nguồn giao dịch ổn định nhưng nhiều tháng qua, chị Nguyễn Bình (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) không có nổi một hợp đồng. Có sản phẩm của khách hàng ký gửi, chị nhờ bạn bè môi giới cùng bán chung hay đăng tin trên các trang cá nhân, trang bán hàng của hội nhóm. Vậy mà, chờ mòn mỏi, vẫn không có khách nhờ tư vấn. La cà ở những quán cà-phê cánh môi giới thường lui tới như khu vực gần cầu Nguyễn Thái Học, một không khí buồn buồn, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt của những người nhiều năm gắn bó với nghề.

Chú N.T.P (môi giới nhà đất hơn 20 năm) cho biết: “Cứ đến chu kỳ 5 năm hay 10 năm, thị trường nhà đất xuống dốc và bắt đầu đóng băng. Những lúc như vậy, anh em tìm kiếm những giao dịch với giá trị nhỏ để đắp đổi tiền xăng, ăn uống mỗi ngày. Riêng sự trầm lắng lần này kéo dài hầu như suốt năm qua, dự báo năm tới còn khó khăn hơn, do chịu tác động từ nền kinh tế và nhiều yếu tố khác. Trước những khó khăn, nhiều anh em buộc phải chuyển nghề, tìm việc làm khác để đảm bảo cuộc sống”.

Thị trường giao dịch bất động sản trở nên trầm lắng, phần vì thiếu đòn bẩy tín dụng, phần khác theo một số môi giới nhà đất tại TP. Long Xuyên là giá nhà đất hiện nay được đẩy lên quá cao, quá “ảo” so với thực tế, khiến người có nhu cầu mua thật sự không sao mua nổi với mức giá tăng “phi mã” những năm qua.

Điển hình như tại Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ, từ năm 2018, giá 1 nền nhà được giao dịch từ 1,1 tỷ đồng, nay tại tuyến đường Trần Quang Diệu, giá đất nền được rao bán 4,8 tỷ đồng (diện tích 80m2), đường nhánh số 9 với giá 3,6 tỷ đồng/nền. Mặc dù rất muốn mua một nền để xây nhà ở, tiện lợi đưa con đi học tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, nhưng anh Võ Văn Nhân (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) nhẩm tính, gia đình sẽ không bao giờ có đủ số tiền để vừa mua đất vừa xây nhà, nên đành bỏ ý định.

Trong những chiếc “bong bóng” giá quá cao được tạo ra từ những nhà đầu tư và môi giới bất động sản, vì quá trình mua đi - bán lại liên tục trên cùng một sản phẩm mà vẫn chưa đến tay người tiêu dùng, “bong bóng” căng và vỡ dần. Đó cũng là thời điểm những người còn trữ tiền mặt, nhân lúc chủ đầu tư không thể đáo hạn vay ngân hàng, rơi vào cảnh nợ nần đành “bán đổ, bán tháo” nhà đất, sẽ có khả năng mua được nhà đất với mức giá giảm từ 1/3 đến 1/2 trị giá sản phẩm.

Sống ở chung cư Firsthome 6 năm nay, anh Nguyễn Thanh Sơn tích góp và mong muốn sở hữu 1 căn nhà, nhưng anh dò tìm mãi vẫn không được căn nào ưng ý và phù hợp túi tiền. Vậy mà vừa qua, anh được người bạn giới thiệu mua căn nhà khu vực gần cầu Trà Ôn, 1 trệt 1 lầu, diện tích hơn 100m2, trên tuyến đường chính cặp bờ kênh rất thông thoáng với mức giá 1,7 tỷ đồng. Với số tiền này, thời điểm trước anh chỉ dám xem những căn nhà trong hẻm.

Như anh Sơn còn có được số tiền tích lũy khá lớn. Với những vợ chồng thu nhập thấp, mức lương chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng và còn nuôi con nhỏ nên vẫn không dám mơ về một căn nhà. Trần Khang (người thuê căn hộ chung cư Firsthome) cho biết: “Thời điểm này, vợ chồng tôi thuê ở tạm, không dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Nếu trước đây, vợ chồng tích góp được vài trăm triệu đồng, cha mẹ cho thêm, phần còn lại mình vay ngân hàng và trả dần. Hiện nay, ngân hàng hạn chế cho vay, nếu vay thì vợ chồng cũng không thể gánh nổi mức hoàn vốn và trả lãi mỗi tháng với mức thu nhập không ổn định”.

Dạo quanh các khu dân cư ở TP. Long Xuyên, nền đất trống cỏ mọc um tùm, vì nhà đầu tư mua đi nhưng vẫn chưa thể bán lại. Những căn nhà được sang tay từ nhiều chủ đầu tư, môi giới đã được trang trí đẹp mắt, nhưng không thể bán hoặc cho thuê vì giá quá cao. Trong khi những người trẻ, người thu nhập thấp phải chắt chiu, mòn mỏi vẫn chưa được sở hữu nhà ở.

Đó là một phần của bức tranh nhà đất trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Thay vì đổ xô đầu tư đất, làm môi giới nhà đất, đầu tư nhà đất vì lợi nhuận lớn, xã hội cần lắm những nhà đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế và bình ổn giá đất trên thị trường, để nhà đất sớm trở về giá trị thật. Và hơn hết là người trẻ, người thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu nhà ở để “an cư, lạc nghiệp”.

NGỌC GIANG