Giá hàng hoá tại các siêu thị không đổi so với trước Tết. Giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ tăng giá hơn so với ngày thường. Mặc dù người dân đã bắt đầu mua sắm ngay trong những ngày đầu của năm mới, nhưng sức mua bắt đầu tăng từ mùng 5 Tết. So với mặt bằng giá ở chợ, giá rau củ, thực phẩm ở các siêu thị ổn định, không biến động.
Nhân viên siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm hàng hóa lên quầy, kệ vào sáng 23/1. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN.
Theo Bộ Công Thương, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Sức mua trong các tháng cuối năm và dịp Tết tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong vài tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm. Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường, mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường từ 5-10% với giá bán được giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.
Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.
Hơn nữa, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...
Đặc biệt, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, một số địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai... đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, việc phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.
Thị trường các mặt thực phẩm những ngày từ 26-30 Tết khá sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các mặt hàng này chỉ tương đương so với Tết năm trước.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các mặt hàng bánh mứt kẹo, đồ uống, giá tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước do chi phí sản xuất tăng, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Năm nay, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn. Ngoài các mặt hàng nông sản trong nước, có thêm nhiều loại đặc sản nhập khẩu như hạt thông, các loại hạt khô nhập từ châu Âu, thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô,... giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 2-3% so với ngày thường.
Riêng mặt hàng hoa, cây cảnh, năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng.
Đáng lưu ý, giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái từ 5-10%.
Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm từ 5-10% với cùng kỳ năm trước.
Về điều hành giá xăng dầu, tại kỳ điều hành trước Tết ngày 11 tháng 1 năm 2023, để hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tuân thủ quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính quyết định không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với hai mặt hàng xăng, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá với dầu diesel (605 đồng/lít) và tăng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá với dầu hỏa và dầu mazút (ở mức 605 đồng/lít và 300 đồng/kg).
Thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 121 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 103 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut không chi sử dụng Quỹ BOG.
Sau khi thực hiện việc điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ ổn định ở mức xăng E5RON92 không cao hơn 21.352 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 22.154 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 21.634 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 21.809 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.366 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung - cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo nhà máy lọc dầu nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn hàng giao cho khách hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án bù đắp nguồn hàng trong trường hợp xảy ra thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống. Đồng thời, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết… Nguồn cung xăng dầu trong nước trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vẫn luôn được bảo đảm.
Tuy nhiên, trước Tết, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết, lực lượng quản lý thị trường tại địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục ngay hiện tượng thiếu nhân viên do nghỉ Tết, các cửa hàng sau đó đã mở cửa bán hàng bình thường trở lại.
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn, kịp thời làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định nếu có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo TTXVN