Thị trường khô tất bật vào vụ

30/12/2021 - 06:34

 - Từ đầu tháng Chạp, các cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh mặt hàng khô trên địa bàn tỉnh An Giang tất bật vào “mùa làm ăn” quan trọng nhất trong năm. Tết Nguyên đán năm nay, các hộ chuẩn bị, đầu tư chu đáo, sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng để cung ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường dự đoán sẽ có nhiều biến động so với trước.

Tất bật sản xuất

Năm nay, cùng với việc tăng cường hoạt động sản xuất, các cơ sở còn tập trung nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm mới mang hương vị độc đáo, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, cơ sở sản xuất khô Bà Mười (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đang đẩy mạnh sản xuất để kịp hoàn thành đơn hàng cuối năm.

Anh Nguyễn Nhật Trường (đại diện cơ sở sản xuất khô Bà Mười) cho biết, sản lượng tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh khoảng 3-4 lần so với ngày bình thường. Năm nay, cơ sở cho ra thị trường sản phẩm, như: Khô cá lóc, khô cá sặc bổi, lạp xưởng heo... đặc biệt là sản phẩm bạch tuộc 1 nắng mang hương vị độc đáo, mới lạ.

Thị trường khô Tết dự đoán sẽ trầm lắng hơn so với mọi năm

Để có được những con khô có hương vị thơm ngon, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng. Anh Trường chia sẻ, cơ sở lựa chọn nguyên liệu tươi, làm thật kỹ, tẩm ướp gia vị theo phương pháp riêng, rồi mới tiến hành phơi nắng. Tùy từng loại mà thời gian phơi khác nhau. Đối với bạch tuộc và sặc bổi, chỉ cần phơi 1 ngày; còn đối với cá lóc phải mất 3 ngày mới cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.

 “Để đảm bảo số lượng cung cấp cho thị trường, chúng tôi xây dựng vùng nuôi cá lóc để cung cấp nguyên liệu làm khô. Đối với các sản phẩm khác thì nguyên liệu lấy từ cơ sở uy tín trong địa bàn tỉnh, nên đảm bảo chất lượng, an toàn” - anh Trường cho biết thêm.

Các loại khô của cơ sở Bà Mười có giá cạnh tranh, từ 180.000-200.000 đồng/kg. Riêng sản phẩm bạch tuộc 1 nắng có giá 540.000 đồng/kg. Sản phẩm được đóng gói bao bì đẹp mắt, ghi rõ địa chỉ sản xuất, được hút chân không an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ có giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo nên sản phẩm được tiêu thụ rộng lớn, từ Bắc tới Nam. Hiện nay, anh Trường còn đẩy mạnh việc kinh doanh trực tuyến (online) thông qua mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... để tiếp cận rộng hơn với thị trường.

Ảnh hưởng dịch bệnh

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thời điểm này, các hộ sản xuất - kinh doanh khô tại thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tất bật hơn so thời gian trước. Mặc dù trên thị trường có nhiều sản phẩm đến từ địa phương khác mang tính cạnh tranh, nhưng khô của bà con nơi đây vẫn chiếm được lòng tin của khách hàng. Cô Tôn Thị Bạch Tuyết (chủ cửa hàng Minh Ký) cho biết, nghề làm khô hoạt động quanh năm, nhưng cuối năm là thời điểm để cơ sở kinh doanh cung cấp nhiều sản phẩm đáp ứng cao điểm của thị trường.

Khô Thoại Sơn, đặc biệt là khô cá lóc từ lâu được rất nhiều người ưa chuộng vì sử dụng nguồn nguyên liệu cá tươi, ướp gia vị tự nhiên, bảo quản đúng quy cách… Trước đây, nguyên liệu làm khô chủ chủ yếu từ cá lóc đồng. Hiện nay, sản lượng cá tự nhiên không còn nhiều, nhưng nhu cầu mua khô của người tiêu dùng tăng cao. Người sản xuất chọn cá lóc nuôi để làm nguyên liệu. Tuy nhiên, với cách chế biến truyền thống, khô cá lóc vẫn giữ được chất lượng thơm ngon như cá đồng.

Để sản phẩm dễ tiêu thụ, các cơ sở sản xuất đa dạng mặt hàng cung ứng cho người tiêu dùng. Chỉ tính riêng khô cá lóc có 4-5 loại, như: Cá lóc nguyên con, cá lóc cắt miếng... với nhiều hương vị khác nhau. Ngoài ra, cơ sở còn kinh doanh thêm khô cá sặc bổi, khô cá chạch, khô nhái, lạp xưởng, dưa kiệu... để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Theo cô Tuyết, giá khô năm nay ổn định so với năm trước. Theo đó, khô cá sặc bổi có giá 230.000 đồng/kg, khô cá sặc bổi 1 nắng có giá 240.000 đồng/kg, khô cá chạch có giá 450.000 đồng/kg, các loại khô cá lóc có giá từ 230.000-250.000 đồng/kg...

Cũng theo cô Tuyết, thị trường khô Tết năm nay mặc dù có nhiều khởi sắc hơn so với năm trước, nhưng nhìn chung vẫn chưa khả quan. “Năm nay, tình hình kinh doanh được cải thiện, nhưng sức mua dự đoán không tăng nhiều. Nguyên nhân là do dịch bệnh bùng phát trong thời gian dài, khiến kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Họ hạn chế chi tiêu khiến cho việc kinh doanh của bà con bị ảnh hưởng” - cô Tuyết chia sẻ.

Khô là một trong những mặt hàng được ưa chuộng, đặc biệt trong dịp Tết, được dùng để chiêu đãi khách hoặc tặng bạn bè, người thân... Do đó, sản xuất và kinh doanh khô Tết là mùa “ăn nên làm ra” của nhiều người. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế người dân, kéo theo đó là sức mua của mặt hàng này giảm. Dẫu vậy, người sản xuất - kinh doanh vẫn mong sức mua sớm được cải thiện, để họ có mùa Tết sung túc.

ĐỨC TOÀN