Thiên cổ án oan năm Tuất

19/02/2018 - 01:57

 - Oan án nổi tiếng lịch sử Việt Nam xảy ra năm Nhâm Tuất 1442, tru di tam tộc Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi. Điều lạ, nhiều vụ sau đó lại rơi vào sự kiện năm Tuất hay người cầm tinh tuổi Tuất, hầu hết được minh oan và chủ mưu đều bị trả giá.

Nhìn về án “Lệ Chi viên”

“Ngày mùng 4, tháng 8 (7-9-1442) vua đến vườn Lệ Chi (xã Đại Lai, huyện Gia Định, Bắc Ninh) bỗng bị bệnh, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa về cung, nửa đêm phát tang. Mọi người đều nói Thị Lộ giết vua. Ngày 16-8 (19-9-1442), triều đình mở phiên tòa, kết quả, hành quyết Nguyễn Trãi và vợ, đồng thời tru di tam tộc”.

Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi viên (Bắc Ninh)

Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi viên (Bắc Ninh)

Sau án oan nghiệt, nhân đọc “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, vua Lê Nhân Tông (1442-1459) nói: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi các danh tướng không ai bằng, không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội rất là đáng thương”. Lời nói nhà vua hàm ý đã minh oan cho cụ, cũng là lời dụ. Sau đó, đại thần Lý Tử Tấn (bạn đồng khoa, đồng liêu với Nguyễn Trãi) ra sức bảo vệ, nhưng lại đổ hết tội cho bà Nguyễn Thị Lộ? Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ban “Chiếu minh oan” cho Nguyễn Trãi, truy tặng tước Tán trù bá, tìm con cháu còn sót lại bổ chức quan, cấp 100 mẫu ruộng… Năm 1467, vua ban chiếu truy tìm thơ văn, sau ca ngợi: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Các triều đại sau đó đều minh oan, gia phong, truy phong Nguyễn Trãi tước Tế Văn hầu đến Khê Quận công.

Dù Nguyễn Trãi được minh oan, nhưng người vợ vẫn mang án “giết vua”. Nhà giáo Hoàng Ngọc Chúc một đời nặng lòng với Lệ Chi viên, đã vận động trùng tu di tích Lệ Chi viên (thôn Đại Lại, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) và một số nơi đã lập đền thờ, miếu, tạc tượng bà để hương khói như một minh oan của hậu thế.

Oan án thời triều Nguyễn

Năm Nhâm Tuất 1802, vua Nguyễn Ánh đăng quang. Năm này, hầu hết cựu thần nhà Tây Sơn bị bắt hay ra đầu thú, trong đó có Binh bộ Thượng thư Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích… Đây là dịp quan lớn của tân triều Đặng Trần Thường trả mối thù xưa. Học không bằng 2 ông Nhậm và Ích (con và rể của thầy Ngô Thì Sĩ) nhưng khi học, thầy cứ khen “người nhà”, không đá động tới mình. Uất ức dâng lên khi ông Nhậm, ông Ích đỗ cao kỳ thi Hội, còn mình rớt nên ghen tức trở thành thù hận. Chọn đúng ngày Ngô Thời Nhậm vinh quy bái tổ về làng, ông Thường ra chặn xe, kéo quần tiểu tiện. Các quan và chức dịch đuổi bắt Đặng Trần Thường đánh mấy chục roi. Năm 1793, ông Thường vượt biển vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh, trở thành trụ cột của triều Nguyễn.

Tượng đài Nguyễn Trãi

Tượng đài Nguyễn Trãi

Dịp đã tới, ông Đặng Trần Thường cho đòi Ngô Thời Nhậm vào trình diện, đắc ý đọc ngay một vế đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, dễ biết ai”. Không chần chờ, Ngô Thời Nhậm ung dung, dõng dạc đáp: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”. Thấy ông Nhậm không chịu khuất phục, quan quân Nguyễn Ánh đem các cựu thần nhà Tây Sơn ra đánh đòn ở Văn Miếu. Riêng đối với Ngô Thời Nhậm, cho tẩm thuốc độc vào gậy và đánh thẳng tay. Về nhà được vài ngày, ông Nhậm mất. Trước khi chết, ông làm bài thơ “Thương thay Đặng Trần Thường”, nói người này sắp chết dưới tay của vua Nguyễn Ánh. Quả thật, vài năm sau đó Đặng Trần Thường bị vua Gia Long xử chém.

Cha con cùng chết năm Tuất

Thuở nhỏ, ông Lê Chất được người cha (ông Lê Trung dưới trướng Nguyễn Huệ) dạy văn lẫn võ. Năm 1789, ông được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tin yêu, phong chức Thủy quân Đô tùy trông coi cửa biển Thị Nại. Sau đó, ông toàn quyền nắm thủy binh với chức Thủy sư Đô đốc. Vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh (mới 9 tuổi) nối ngôi. Lúc này, triều đình Tây Sơn lục đục, tranh giành quyền lực, cha ông bị giết (năm Tuất), gia tộc và ông bị lùng bắt khi cầm quân ở Quảng Ngãi. Ông Lê Chất dùng kế “kim thiền thoát xác” (giả chết) rồi trốn theo chúa Nguyễn Ánh. Sau đó, ông được trọng dụng nhưng bị các quan đứng đầu như: Nguyễn Văn Thành, đặc biệt Đặng Trần Thường hiềm khích. Tháng 3-1799, ông lập nhiều chiến công, giúp chúa Nguyễn hạ được thành Quy Nhơn. Trong chiến dịch đánh ra Bắc năm 1802, Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, Bình Tây tướng quân lần lượt đánh lấy các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, kéo quân vào Thăng Long bắt được vua, quan nhà Tây Sơn. Với chiến công đó, Lê Chất được phong tước Quận công. Để giải tỏa bực tức, ông Thường nói với các tướng: “Chất mà được Quận công thì lũ ta phải 10 lần Quận công”. Lấy được Thăng Long, vua Gia Long cho đổi tên thành Bắc Thành, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn, Lê Chất làm Hiệp Tổng trấn.

Năm Bính Tuất 1826, Lê Chất xin tạm nghỉ chức Tổng trấn Bắc Thành về Bình Định lo việc tang cho mẹ, rồi mất. Vua Minh Mạng nghe tin, nghỉ chầu 3 ngày để tỏ lòng thương xót, tặng ông hàm Thiếu phó, đồng thời ban cấp tiền, lụa, lo đám tang rất hậu hĩnh. Năm 1835, sau khi Lê Văn Duyệt mất 3 năm, con nuôi ông là Lê Văn Khôi nổi dậy, chiếm thành Gia Định suốt 3 năm. Với tội phản nghịch, Lê Văn Duyệt bị xử tội. Nhân đó, triều đình truy tội ông Lê Chất với 6 “hành vi đại ác” đáng xử lăng trì; 10 tội, trong đó 8 tội phải xử chém và 2 tội xử treo cổ. Sau đó, vua cho san bằng mồ mả của Lê Chất, rồi dựng tấm bia đá, khắc lớn mấy chữ: “Gian thần Lê Chất phục pháp xứ” (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp).

Đến năm 1847, khi Tự Đức lên ngôi, nhờ các quan đầu triều dâng biểu xin minh oan, gia ơn cho con cháu các đại thần Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đều là Tổng trấn. Nhờ đó, Lê Chất được minh oan.

NGUYỄN RẠNG