Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

10/04/2025 - 13:35

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 5/4 -10/4 (tính đến 11 giờ ngày 10/4), thiên tai xảy ra tại các tỉnh Kon Tum, Hậu Giang và Nghệ An gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trên.

Cụ thể, trưa 9/4, tỉnh Hậu Giang xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông tại kênh xáng Nàng Mau thuộc ấp Thạnh Lợi A2, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (gần chân cầu Nàng Mau) với chiều dài 33m, sâu vào bờ từ 6 đến 16m, diện tích mất đất gần 390 m2. Vụ sạt lở làm sụp hoàn toàn hai căn nhà của chị Nguyễn Thị Thảo Quyên (sinh năm 1996) và anh Ngô Trung Hậu (sinh năm 1989), đồng thời ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực. Ước thiệt hại gần 800 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, một trận dông lốc kèm mưa đá đã bất ngờ ập xuống nhiều bản làng ở hai xã biên giới Tam Quang và Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An), gây thiệt hại nặng về nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Chú thích ảnh

Nhà dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do dông lốc thổi bay gần như hoàn toàn bộ phận mái. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, khoảng 15 giờ ngày 9/4, tại xã Tam Hợp, lốc xoáy quét qua bản Phồng và Xốp Nặm trong 30 phút. Gió trong lốc thổi mạnh khiến 25 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng mức độ hư hại từ 60 đến 70%; cây cối và đường dây điện gãy đổ. Nhiều ngôi nhà khác cũng bị mưa đá làm thủng mái, tạo nên các lỗ hổng lớn thành từng mảng.

“Bản thân tôi sinh sống ở đây bao nhiêu năm nhưng chưa từng chứng kiến trận dông lốc và mưa đá nào lớn đến thế. Gió gào rít, mưa đá trút xuống như trút, nhiều viên to bằng ngón tay cái”, ông Nguyễn Phi Thanh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp chia sẻ.

Sau khi mưa dứt, đá còn phủ trắng bên những vũng nước và rãnh thoát nước. Nhiều gia đình hoang mang vì tài sản, sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại xã biên giới Tam Quang, hiện tượng tương tự xảy ra vào khoảng 14 giờ cùng ngày. Dông lốc và mưa đá dữ dội khiến nhiều nhà dân và phòng học tại các điểm trường bị tốc mái, hư hỏng, nhịp sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị xáo trộn đáng kể.

Ngay sau thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng phối hợp cùng lực lượng biên phòng, công an, dân quân tự vệ và người dân các bản khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả. Việc rà soát, thống kê thiệt hại đang được địa phương tiến hành để sớm báo cáo cấp trên, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Trước đó, ngày 5/4, tại thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra mưa đá và gió lốc làm sập nhà Rông, 16 căn nhà của các hộ dân bị tốc mái; tại thôn Mô Bành 2 một phần diện tích cà phê bị hư hại do mưa đá; 2 bảng pa nô tuyên truyền bị gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.

Chú thích ảnh

Lực lượng chức năng xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng do mưa đá kèm gió lốc khắc phục hậu quả. Ảnh: TTXVN phát

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND xã Đăk Na Nguyễn Thanh Thủy đã chỉ đạo các lực lượng phát dọn cây xanh ngã đổ, đảm bảo giao thông ở các tuyến đường liên thôn được thông suốt. Lực lượng dân quân tự vệ và thanh niên cũng được huy động đến để hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa. UBND xã đã báo cáo gửi UBND huyện để sớm có phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do mưa đá ổn định cuộc sống.

 

Hiện, UBND xã Đăk Na đang khẩn trương triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo và vận động người dân sơ tán đến nơi an toàn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Đối với khu vực nhà Rông tại thôn Mô Bành 1 bị sập, xã Đăk Na chủ động mời các đơn vị có liên quan đến đánh giá hiện trạng để có hướng khắc phục trong thời gian tới. 

"Tình trạng mưa dông, gió lốc vẫn có thể xảy ra, xã Đăk Na tiếp tục dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.", ông Nguyễn Thanh Thủy lưu ý.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, đây đang là thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh thường xuyên xảy ra trên phạm vi cả nước, Các địa phương thường xuyên theo dõi sát với diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở tại khu vực xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Các địa phương xảy ra thiên tai cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Theo TTXVN